Thế giới

1/8 dân số châu Âu hiện đang sống trong khu vực có nguy cơ lũ lụt nghiêm trọng

ClockThứ Năm, 16/05/2024 15:34
TTH.VN - Nhiều bệnh viện ở châu Âu cũng được cảnh báo đang nằm trên các vùng đồng bằng dễ bị lũ lụt.

Lũ lụt ở châu Âu - minh chứng cho thấy cần cắt giảm khí thảiChâu Âu trải qua thời kỳ lũ lụt tồi tệ nhất trong 500 năm

Một con phố ngập trong nước lũ sau cơn mưa lớn tại Liege, Bỉ. Ảnh: Getty Images 

Cứ 8 người châu Âu thì có 1 người đang sống ở những khu vực có nguy cơ lũ lụt nghiêm trọng và nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng cũng nằm trong những khu vực nguy hiểm này.

Các phát hiện trên được đưa ra trong báo cáo mới nhất của Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) về tác động của biến đổi khí hậu đối với toàn bộ chu trình nước, bao gồm cả hạn hán và cháy rừng.

Theo báo cáo, trong 40 năm qua, những cơn bão dữ dội đã cướp đi sinh mạng của hơn 5.582 người ở châu Âu và mức độ nguy hiểm vẫn còn cao.

Bà Aleksandra Kazmierczak, chuyên gia về khí hậu và sức khỏe tại EEA cho biết khoảng 15% cơ sở công nghiệp ở châu Âu có thể đang nằm trên các vùng đồng bằng ngập lụt. Ngoài ra, 11% các bệnh viện cũng nằm trong những khu vực có nguy cơ cao.

Báo cáo nói rằng hạn hán và sóng nhiệt cũng đe dọa chất lượng nguồn nước khi làm tăng nồng độ các chất gây ô nhiễm. Những sự kiện tích lũy này đặt ra vấn đề về việc tiếp cận nguồn nước cho người dân và ảnh hưởng đến hệ thống làm mát của các nhà máy điện hạt nhân và nông nghiệp.

“Ví dụ, vào năm 2022, chúng ta đã chứng kiến sự sụt giảm sản lượng ngô và dầu ô liu, đặc biệt là ở miền Nam châu Âu. Thiệt hại do hạn hán gây ra trong các lĩnh vực nông nghiệp, cung cấp nước và năng lượng ước tính khoảng 9 tỷ euro mỗi năm”, bà Aleksandra Kazmierczak tiết lộ.

Giải pháp đề xuất

Phát biểu trong buổi công bố báo cáo tại Brussels ngày 15/5, bà Elena Visnar Malinovska, trưởng bộ phận Hành động Khí hậu trong Ủy ban châu Âu (EC) cho biết rất đáng tiếc khi “châu Âu đang không chuẩn bị cho những gì sắp xảy ra”, từ đó bà kêu gọi “các giải pháp mang tính hệ thống” cho vấn đề phức tạp này.

Trong báo cáo, các nhà nghiên cứu cũng phác thảo các giải pháp tiềm năng và nhấn mạnh thực tế cần có các công cụ thiết yếu để giải quyết các vấn đề ngay lập tức.

Một trong những biện pháp đơn giản được đề xuất là tránh phát triển ở những khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi các mối nguy hiểm liên quan đến khí hậu như lũ lụt.

Đồng thời, các nhà nghiên cứu cũng gợi ý các giải pháp lấy cảm hứng từ thiên nhiên, chẳng hạn như trồng cây để giữ nước mưa hoặc tái sử dụng nước đã qua xử lý.

Ngoài ra, vai trò quan trọng của công nghệ cũng được đề cập thông qua hình thức tăng cường hệ thống giám sát và cảnh báo sớm.

“Nếu không có hành động nhanh chóng và có hệ thống để tăng cường khả năng phục hồi xã hội…, những tác động đến sức khỏe của biến đổi khí hậu thông qua lũ lụt, hạn hán và chất lượng nước suy giảm sẽ ngày càng trở nên tồi tệ hơn”, báo cáo nêu rõ.

BẢO NGHI (Lược dịch từ AP News)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cảnh giác, chủ động, không chủ quan

Bão số 6 (TRAMI) tạm biệt Philippines để vào Biển Đông và phăm phăm hướng về miền Trung nước ta. Là dân của xứ “trời hành cơn lụt mỗi năm”, lại vừa chứng kiến cơn bão Yagi tàn phá kinh hoàng các tỉnh phía bắc, nên từ trước đó nhiều ngày, đi đâu cũng nghe bà con bàn tán về bão. Và hầu như ai cũng có smartphone nên vừa bàn tán, vừa mở mạng xem dự báo, đường đi của bão nó sẽ như thế nào.

Cảnh giác, chủ động, không chủ quan
Hiểu Luật An ninh nguồn nước để nuôi trồng thuỷ sản

Đó là nội dung của hội thảo diễn ra ngày 29/10 tại TP. Huế do Trung tâm Nghiên cứu Phát triển xã hội (CSRD) phối hợp tổ chức, thông qua dự án “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất định hướng phát triển thuỷ sản-mô hình nuôi cá lồng tại huyện A Lưới”. Đại diện lãnh đạo Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và Thích nghi Biến đổi khí hậu (CEWAREC) và CSRD dự, chỉ đạo hội thảo.

Hiểu Luật An ninh nguồn nước để nuôi trồng thuỷ sản
Phát thải từ giới siêu giàu trong 90 phút còn cao hơn trong cả đời người bình thường

Theo báo cáo mới được công bố hôm nay (28/10) của Oxfam - tổ chức toàn cầu đấu tranh chống bất bình đẳng để chấm dứt đói nghèo và bất công, lượng CO2 trung bình mà 50 tỷ phú giàu nhất thế giới thải ra thông qua các khoản đầu tư, máy bay phản lực tư nhân và du thuyền của họ trong 90 phút còn cao hơn cả lượng phát thải mà một người bình thường thải ra trong suốt cả cuộc đời.

Phát thải từ giới siêu giàu trong 90 phút còn cao hơn trong cả đời người bình thường
Return to top