|
Hàn Quốc hiện là quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN |
Trong một tuyên bố, nhà nghiên cứu cấp cao Stein Emil Vollset từ Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME) tại Đại học Washington ở Seattle cho rằng xu hướng này sẽ dẫn tới sự phân chia “bùng nổ trẻ sơ sinh” (baby boom) và “suy giảm trẻ sơ sinh” (baby bust) trên toàn thế giới, với sự bùng nổ tập trung ở các quốc gia có thu nhập thấp, dễ bị ảnh hưởng bởi bất ổn kinh tế và chính trị hơn. Điều này sẽ dẫn đến sự thay đổi xã hội to lớn.
Nghiên cứu dự báo đến năm 2050, 155 trong số 204 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới - tương đương 76%, sẽ có tỷ lệ sinh dưới mức thay thế dân số. Đến năm 2100, tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng lên đến 97% - tương đương với 198 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới sẽ phải chứng kiến sự sụt giảm dân số.
Các dự báo này được đưa ra dựa trên các cuộc khảo sát, điều tra dân số và các nguồn dữ liệu khác được thu thập từ năm 1950 đến năm 2021. Nghiên cứu sử dụng một lượng lớn dữ liệu toàn cầu về tình trạng sinh - tử và các yếu tố thúc đẩy khả năng sinh sản, nhằm dự báo về xu hướng dân số thế giới trong tương lai, trong bối cảnh tỷ lệ sinh ở một số nước đã giảm xuống mức quá thấp.
Cũng theo nghiên cứu, vào cuối thế kỷ này, hơn 3/4 số ca sinh mới sẽ diễn ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp, trong đó hơn một nửa diễn ra ở châu Phi cận Sahara.
Tỷ lệ sinh toàn cầu - số trẻ trung bình mà mỗi phụ nữ sinh ra trong đời, đã giảm từ khoảng 5 con vào năm 1950 xuống còn 2,2 con vào năm 2021. Dữ liệu cũng cho thấy vào năm 2021, 110 quốc gia và vùng lãnh thổ (chiếm 54%) có tỷ lệ sinh dưới mức cần thiết để duy trì quy mô dân số (còn gọi là mức sinh thay thế) là 2,1 con/phụ nữ. Các nhà nghiên cứu dự đoán đến năm 2100, chỉ có Samoa, Somalia, Tonga, Niger, Chad và Tajikistan là có tỷ lệ sinh vượt mức thay thế 2,1 con/phụ nữ.
Đặc biệt, nghiên cứu nhấn mạnh một xu hướng đáng lo ngại đối với các quốc gia như Hàn Quốc và Serbia, nơi tỷ lệ sinh thấp hơn 1,1 con/phụ nữ, khiến các nước này phải đối mặt với những thách thức của sự suy giảm lực lượng lao động.
Trong khi tỷ lệ sinh giảm ở các nước thu nhập cao phản ánh nhiều cơ hội giáo dục và việc làm hơn cho phụ nữ, các nhà nghiên cứu cho biết xu hướng này báo hiệu nhu cầu cấp thiết về cải thiện khả năng tiếp cận các biện pháp tránh thai hiện đại và giáo dục cho phụ nữ ở các khu vực khác.
Ngoài ra, “những xu hướng tương lai về tỷ lệ sinh và số ca sinh mới sẽ định hình lại hoàn toàn nền kinh tế toàn cầu và cán cân quyền lực quốc tế, đồng thời sẽ đòi hỏi phải tổ chức lại xã hội… Một khi dân số ở gần như mọi quốc gia đều đang bị thu hẹp, việc phụ thuộc vào nhập cư tự do sẽ trở nên cần thiết để duy trì tăng trưởng kinh tế”, bà Natalia Bhattacharjee của IHME, đồng tác giả của báo cáo, nhận định.
Tuy nhiên, các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi thận trọng với những dự đoán này và chỉ ra một số hạn chế của các mô hình, đặc biệt là việc thiếu dữ liệu từ nhiều quốc gia đang phát triển.
WHO chỉ ra rằng cũng có thể có những lợi ích khi quy mô dân số nhỏ hơn, chẳng hạn như đối với môi trường và an ninh lương thực, nhưng đồng thời xu hướng này cũng dẫn tới những bất lợi về nguồn cung lao động, an sinh xã hội và “địa chính trị dân tộc”.
Bà Teresa Castro Martin, nhà nghiên cứu tại Hội đồng nghiên cứu quốc gia Tây Ban Nha, cũng nhấn mạnh rằng đây chỉ là những dự đoán. Bà chỉ ra rằng nghiên cứu của The Lancet dự đoán tỷ lệ sinh toàn cầu sẽ giảm xuống dưới mức thay thế vào khoảng năm 2030, “trong khi LHQ dự đoán điều này sẽ xảy ra vào khoảng năm 2050”.
Được biết, nghiên cứu này là bản cập nhật của Nghiên cứu về Gánh nặng bệnh tật, Thương tích và Yếu tố rủi ro Toàn cầu – một chương trình có sự hợp tác của hơn 3.600 nhà nghiên cứu từ 145 quốc gia, do IHME thực hiện. Tổ chức này được Quỹ Bill và Melinda Gates thành lập tại Đại học Washington, đã trở thành cơ sở tham khảo toàn cầu về thống kê y tế.