Thế giới

Lãnh đạo Mỹ - Trung gặp mặt, cam kết đưa quan hệ hai bên trở lại đúng hướng

ClockThứ Ba, 15/11/2022 09:01
TTH.VN - Trong cuộc gặp trực tiếp đầu tiên ngày 14/11 kể từ khi ông Biden nhậm chức cách đây gần hai năm, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bày tỏ mong muốn 2 nước hợp tác với nhau để giải quyết căng thẳng và tránh xung đột.

Nhà Trắng: Tổng thống Mỹ sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc bên lề G20Tháng 11/2022: Một loạt hội nghị thượng đỉnh quốc tế sẽ diễn ra tại Đông Nam ÁNgoại trưởng Mỹ, Trung Quốc gặp nhau bên lề kỳ họp Đại hội đồng LHQ

Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung Quốc tươi cười bắt tay tại cuộc gặp ngày 14/11, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20. Ảnh: AFP/TTXVN

Thừa nhận tình hình quan hệ song phương hiện nay không như kỳ vọng của cộng đồng quốc tế, hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung tuyên bố sẵn sàng nỗ lực để đưa quan hệ trở lại đúng hướng và để hai nước đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu.

Trước khi bắt đầu cuộc gặp thu hút rất nhiều sự chú ý, hai nhà lãnh đạo đã tươi cười bắt tay trước hàng quốc kỳ Mỹ - Trung trong phòng họp của khách sạn Mulia trên đảo Bali (Indonesia), trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20.

Trong bài phát biểu khai mạc, Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết sẽ có “một cuộc trao đổi quan điểm thẳng thắn và sâu sắc” về các vấn đề song phương, cũng như các vấn đề lớn của khu vực và toàn cầu.

Mối quan hệ giữa hai siêu cường quốc hàng đầu thế giới đã xấu đi đáng kể trước những bất đồng về một số vấn đề, bao gồm tình hình Đài Loan, cuộc xung đột ở Ukraine và tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.

Nhưng cuộc gặp hôm qua cho thấy hai nhà lãnh đạo đã sẵn sàng xoa dịu mối quan hệ căng thẳng này. Theo cách nói của Chủ tịch Tập Cận Bình, đó là một cuộc gặp “thu hút sự chú ý của thế giới”.

“Vì vậy, chúng tôi cần làm việc với tất cả các quốc gia để mang lại nhiều hy vọng cho hòa bình thế giới, niềm tin lớn hơn vào sự ổn định toàn cầu và động lực mạnh mẽ hơn cho sự phát triển chung”, nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định.

Trong khi đó, Tổng thống Biden kêu gọi “tiếp tục và liên tục đối thoại cởi mở và trung thực”, đồng thời nói thêm rằng hai nước cần tìm cách hợp tác cùng nhau trong các vấn đề cấp bách toàn cầu, vì lợi ích của hai quốc gia và của cộng đồng quốc tế.

Chủ tịch Tập Cận Bình cũng bày tỏ mong muốn được làm việc với Tổng thống Biden để đưa quan hệ “trở lại đà tăng trưởng lành mạnh và ổn định, vì lợi ích của hai quốc gia và toàn thế giới”, đồng thời nhấn mạnh “cần phải tìm ra hướng đi đúng đắn cho mối quan hệ song phương trong tương lai và nâng tầm mối quan hệ”.

Trong một tuyên bố đưa ra sau cuộc họp kéo dài hơn 3 giờ ở Bali, Nhà Trắng trích dẫn lời Tổng thống Biden nói rằng cả hai nước phải “duy trì các đường dây liên lạc cởi mở” và quản lý việc cạnh tranh một cách có trách nhiệm. 

Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí để các quan chức hai bên trao đổi sâu hơn về các thách thức xuyên quốc gia, bao gồm biến đổi khí hậu, ổn định kinh tế vĩ mô toàn cầu và an ninh lương thực, tuyên bố của Nhà Trắng nêu rõ.

Trong cuộc gặp, cả hai bên cũng thảo luận về các vấn đề khác như xung đột Ukraine, thương mại và Đài Loan.

Nhà Trắng cho biết hai nhà lãnh đạo nhắc lại thỏa thuận không bao giờ được nổ ra một cuộc chiến tranh hạt nhân và nhấn mạnh sự phản đối của hai nước đối với việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân.

Cũng trong cuộc gặp hôm qua, Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhất trí nối lại hợp tác về biến đổi khí hậu và các vấn đề khác, thúc đẩy các cuộc đàm phán đang bị sa lầy và chậm tiến độ tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP27 đang diễn ra ở Ai Cập.

Tin tức về sự hợp tác này được đưa ra ngay khi các nhà đàm phán khí hậu tại COP27 đang tìm kiếm một dấu hiệu cho thấy các quốc gia G20 sẵn sàng tăng thêm tiền mặt và các cam kết mới trong cuộc chiến chống sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

“Tín hiệu rõ ràng này từ việc hai nền kinh tế lớn nhất - cũng là hai quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, hợp tác với nhau để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu là điều đáng hoan nghênh; đó là điều cần thiết”, bà Manish Bapna, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của nhóm môi trường Natural Resources Defense Council cho biết.

Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình là hai trong số 17 nguyên thủ quốc gia và chính phủ sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 diễn ra trong hai ngày 15-16/11 tại Indonesia.

Theo các nhà phân tích, cuộc xung đột ở Ukraine - nơi đã châm ngòi cho các cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng - có thể chi phối các cuộc đàm phán trong hội nghị lần này.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Straitstimes & Reuters)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Đức

Theo Tạp chí CNBC, tổng xuất khẩu và nhập khẩu giữa Đức và Mỹ đã đạt tổng trị giá 63 tỷ euro (tương đương 68 tỷ USD) trong thời gian từ tháng 1 - 3 năm nay. Trong khi đó, thương mại giữa Đức và Trung Quốc ở mức dưới 60 tỷ euro.

Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Đức
Mỹ chi 100 triệu USD giám sát cúm gia cầm

Tin từ Bloomberg cho biết Mỹ đang chi hơn 100 triệu USD để tăng cường giám sát cúm gia cầm ở gia súc và ở người trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại rằng dịch bệnh đã lan rộng hơn so với báo cáo.

Mỹ chi 100 triệu USD giám sát cúm gia cầm
Tiếp tục thúc đẩy hợp tác với các địa phương của Pháp

Tại buổi tiếp xã giao bà Emmanuelle Pavillon-Grosser, Tổng Lãnh sự Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh chiều 26/4, UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình mong muốn, hai phía tiếp tục thúc đẩy hợp tác toàn diện trên các mặt giáo dục, y tế, du lịch, thu hút đầu tư, bảo tồn di sản, nhất là quảng bá văn hóa.

Tiếp tục thúc đẩy hợp tác với các địa phương của Pháp
Return to top