Thế giới

Mỹ chi 100 triệu USD giám sát cúm gia cầm

ClockThứ Bảy, 11/05/2024 17:05
TTH.VN - Tin từ Bloomberg cho biết Mỹ đang chi hơn 100 triệu USD để tăng cường giám sát cúm gia cầm ở gia súc và ở người trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại rằng dịch bệnh đã lan rộng hơn so với báo cáo.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO): Chưa có dấu hiệu cúm gia cầm H5N1 lây lan từ người sang ngườiPhát hiện chủng virus H5N1 trong sữa tươi từ động vật bị nhiễm bệnhChuyên gia bày tỏ lo ngại về bệnh cúm gia cầm lây sang người

Một trường hợp nhiễm cúm gia cầm đã được phát hiện ở một nông dân Mỹ tiếp xúc với bò sữa nhiễm bệnh. Ảnh: iStock

Theo một tuyên bố ngày 10/5, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) và Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) sẽ sử dụng nguồn tài trợ này để phát hiện và theo dõi loại virus cúm gia cầm H5N1 đang lây lan ở các loài chim hoang dã, gia cầm và bò trong các trang trại ở nước này.

Sau nhiều chỉ trích rộng rãi về việc xét nghiệm sớm không đầy đủ đối với các mối đe dọa sức khỏe mới nổi như COVID-19 và virus đậu mùa khỉ Mpox, việc giám sát kỹ lưỡng phản ứng của CDC đối với các cuộc khủng hoảng sức khỏe đã tăng lên đáng kể. Mặc dù đến nay ở Mỹ chỉ mới có một trường hợp nhiễm H5N1 được ghi nhận trên người, nhưng các nhà khoa học cảnh báo loại virus này có khả năng biến đổi thành chủng dễ lây truyền và nguy hiểm hơn nhiều.

Được biết, CDC sẽ sử dụng 34 triệu USD để kiểm tra và phân tích trình tự virus, và thêm 29 triệu USD để truy tìm và giám sát những người có thể đã tiếp xúc với virus. Nguồn quỹ còn lại sẽ được sử dụng để nghiên cứu các loại vaccine và địa điểm xử lý nước thải. CDC cũng đang phân phối thiết bị bảo hộ cho các công nhân nông trại, ưu tiên những người có đàn gia súc bị nhiễm bệnh.

Theo Bloomberg, việc giám sát virus không thực sự rõ ràng. Một số trang trại bò sữa đã ngần ngại mời CDC giám sát do lo ngại sẽ phải đối mặt với tác động tài chính tiềm ẩn nếu phát hiện bò bị bệnh. Những lao động nhập cư đang làm việc tại các trang trại cũng thường dè chừng các tổ chức chính phủ, lo sợ mất việc làm nếu họ có dấu hiệu phơi nhiễm với virus. Do vậy, đến nay vẫn không có tiểu bang nào mời CDC kiểm tra, điều này đã tạo ra những “điểm mù” trong việc tìm hiểu phạm vi của đợt bùng phát đợt cúm gia cầm hiện nay.

CDC cho rằng rủi ro đối với con người vẫn đang rất thấp. Tuy nhiên, chỉ trong tuần này đã có 6 trang trại mới báo cáo gia súc nhiễm bệnh gây lo ngại về sự lây lan của virus.

Khoảng 30 người đã được xét nghiệm H5N1 trong năm nay và 220 người đã được theo dõi các triệu chứng. Giám đốc CDC Mandy Cohen cho biết cơ quan này đã sẵn sàng triển khai các nhóm dịch tễ học.

Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ cấp vốn tài trợ cho các trang trại bò sữa đang phải đối phó với dịch bệnh bùng phát ở gia súc, bao gồm các ưu đãi tài chính để phân phối thiết bị bảo hộ. Mỗi trang trại có thể nhận được tới 28.000 USD trong 120 ngày tới, bao gồm các khoản bồi hoàn chi phí bác sĩ thú y và xét nghiệm,  giúp tăng cường việc giám sát đàn gia súc.

Ngoài ra, FDA sẽ dành thêm 8 triệu USD để hỗ trợ giám sát nguồn cung cấp sữa thanh trùng. Tháng trước, cơ quan này cho biết cứ 5 mẫu sữa được xét nghiệm thì có một mẫu chứa các đoạn virus cúm gia cầm, nhưng phương pháp thanh trùng sẽ giết chết virus này, do vậy sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Cũng theo FDA, các xét nghiệm tìm virus H5N1sống trong trứng đều âm tính. Cơ quan này tuần trước cũng tuyên bố đã xét nghiệm 297 mẫu sữa bán lẻ và tất cả đều âm tính.

BẢO NGHI (Lược dịch từ Bloomberg)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cúm gia cầm đã xuất hiện ở khắp năm châu lục

Theo các quan chức y tế Liên hợp quốc, cúm gia cầm đã gây ra cái chết của hơn 300 triệu con chim trên toàn thế giới, ở 108 quốc gia trên khắp 5 châu lục và loại virus này “ngày càng vượt qua các rào cản về loài”.

Cúm gia cầm đã xuất hiện ở khắp năm châu lục
Chiến lược toàn cầu chống lại virus lây truyền qua đường thực phẩm

Kết quả của báo cáo mới được thực hiện dưới sự hợp tác của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác định những thách thức cấp bách nhất thế giới trong việc giải quyết các bệnh do virus lây truyền qua đường thực phẩm.

Chiến lược toàn cầu chống lại virus lây truyền qua đường thực phẩm
Mỹ thúc đẩy xây nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên

Hai công ty năng lượng Westinghouse Electric và CORE POWER vừa công bố thỏa thuận hợp tác phát triển nhà máy điện hạt nhân nổi (FNPP), đánh dấu bước tiến mới của Mỹ trong lĩnh vực đang được Nga và Trung Quốc dẫn đầu.

Mỹ thúc đẩy xây nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên
Return to top