Thủ tướng Johnson sẽ gặp các nhà lãnh đạo cấp cao của EU vào thứ Hai tới. Nguồn: AFP/TTXVN
Nguồn tin giấu tên này cho biết London luôn muốn có một thỏa thuận và họ rất vui mừng khi thấy sự tiến triển. Nhưng phía Anh sẽ thận trọng chờ xem liệu đây có phải là một bước đột phá thực sự hay không.
Nguồn tin cũng cho biết còn một chặng đường rất dài trước khi Anh và EU đạt được một thỏa thuận cuối cùng. Họ cũng nhấn mạnh giai đoạn cuối tuần này và trong tuần tới vẫn rất quan trọng để đảm bảo nước Anh có thể ra đi với một thỏa thuận vào ngày 31/10. Nhưng phía Anh vẫn sẽ chuẩn bị rời EU kể cả khi không có thỏa thuận vào ngày thời hạn đó.
Ngoài ra, nguồn tin cũng cho biết Thủ tướng Johnson sẽ gặp các nhà lãnh đạo cấp cao của EU vào thứ Hai tới (14/10) để đánh giá lại tình hình.
Các nhà đàm phán Anh và EU đang tiến hành những cuộc đối thoại căng thẳng trong cuối tuần này để nỗ lực phá vỡ tình trạng bế tắc của Brexit trước khi Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra vào ngày 17-18/10 tới cũng như hạn chót để nước Anh rời khỏi khối này vào ngày 31/10.
Những tin tức về sự tiến triển trong các cuộc đàm phán đã khiến thị trường tài chính tăng mạnh hôm 11/10 sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson và người đồng cấp Ireland (Ai-len) Leo Varadkar xác định được con đường dẫn đến một thỏa thuận sau nhiều tháng bất hòa.
Tuy nhiên, ngày 12/10, một lãnh đạo cấp cao của đảng Bắc Ireland, bên giữ một vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán, đã bày tỏ mối quan tâm của ông về đề xuất được đưa ra.
Trước đó, Thủ tướng Johnson tuyên bố các đề xuất của ông đưa ra một biện pháp mới để tránh dẫn đến một “biên giới cứng” giữa khu vực Bắc Ireland thuộc Anh và quốc gia thành viên EU là Ireland sau khi Brexit diễn ra.
Theo đề xuất này, Bắc Ireland sẽ ra khỏi liên minh hải quan của EU nhưng vẫn duy trì các tiêu chuẩn và quy định phù hợp với thị trường chung của khối.
Các kế hoạch của nhà lãnh đạo Anh cũng cho phép các chính trị gia của Bắc Ireland được bỏ phiếu sau mỗi bốn năm về việc duy trì các thỏa thuận đã được thống nhất.
Tờ Sunday Times mới đây đã đưa tin rằng ông Johnson đang nỗ lực hết sức để đảm bảo có được một thỏa thuận, sau khi các quan chức an ninh cảnh báo rằng việc rời EU một cách vô trật tự có thể gây căng thẳng trở lại ở khu vực Bắc Ireland.
Vấn đề đường biên giới Ireland là một nút thắt khó gỡ trong các cuộc đàm phán Brexit, đặc biệt là vấn đề làm thế nào để ngăn chặn khu vực Bắc Ireland của Anh trở thành “cửa sau” vào thị trường EU mà không có các biện pháp kiểm soát biên giới.
Phía Ireland lo ngại việc các trạm kiểm soát đặt trên 500 km đường biên giới giữa nước này với Bắc Ireland sẽ làm suy yếu Thỏa thuận ngày Thứ Sáu Tốt lành năm 1998, vốn đã giúp chấm dứt ba thập kỷ xung đột chính trị và giáo phái khiến hơn 3.600 người thiệt mạng.
Theo TTXVN