Thế giới

Nước Mỹ bắt đầu “hồi sinh” từ đại dịch Covid-19

ClockThứ Tư, 05/05/2021 15:27
Với việc thúc đẩy một trong những chiến dịch tiêm chủng nhanh nhất thế giới và dần mở cửa trở lại, nước Mỹ đang rất kỳ vọng vào sự phục hồi mạnh mẽ sau 1 năm vật lộn với vô vàn khó khăn vì đại dịch Covid-19.

Mỹ đẩy nhanh tiến độ triển khai kế hoạch cứu trợ 1.900 tỷ USD'Kinh tế Mỹ sẽ không tăng trưởng quá nóng khi phục hồi sau đại dịch"

Ảnh minh họa: Reuters

Trạng thái bình thường mới

Việc các bang từng là tâm dịch Covid-19 của nước Mỹ như New York, New Jersey, Connecticut vừa tuyên bố chính thức mở lại hoạt động hoàn toàn kể từ ngày 19/5 tới đây được xem như một dấu mốc trọng đại không chỉ với các bang này mà còn với nước Mỹ trong suốt hơn một năm chống chọi với dịch bệnh.

Điều đó làm dấy lên hy vọng trong rất nhiều cư dân ở 3 bang này rằng cuộc sống đang quay trở lại bình thường, nhưng cũng đang gây ra cảm giác lo lắng trong số những người khác về virus SARS-CoV-2.

Có 2 yếu tố chính giúp 3 bang này có thể quay trở lại trạng thái “bình thường mới” nhanh hơn cả kế hoạch dự kiến. Thứ nhất, theo cơ sở dữ liệu của Thời báo New York, số ca nhiễm bệnh trung bình hàng ngày đã giảm hơn 44% tại cả 3 bang này trong hai tuần vừa qua. Đáng chú ý, số ca mắc bệnh mới hàng ngày của bang New Jersey đã giảm tới 52%, tiếp theo là bang Connecticut giảm 47% và bang New York giảm 44%.

Thứ hai, tính đến ngày 3/5, hơn 1/3 dân số tại mỗi bang này cũng đã được tiêm phòng đầy đủ. Cụ thể, bang New York có 48,4% dân số đã được nhận ít nhất một liều vaccine và 36% đã được tiêm phòng đầy đủ; bang New Jersey có 52,3% dân số đã được tiêm ít nhất một liều vaccine và 37,3% đã được tiêm phòng đầy đủ; bang Connecticut có 55,8% dân số đã được tiêm ít nhất một liều vaccine và 40,3% đã được tiêm phòng đầy đủ.

Số ca mắc bệnh mới hàng ngày tại ba bang này chắc chắn sẽ tiếp tục giảm khi tỷ lệ dân số được tiêm chủng tăng lên mỗi ngày, trừ phi có sự xuất hiện của các biến thể từ các nước khác dễ lây nhiễm và nguy hiểm hơn. Đây chính là cơ sở để chính quyền ba bang New York, New Jersey và Connecticut quyết định sẽ nới lỏng gần như toàn bộ những biện pháp kiểm soát Covid-19, qua đó đưa cuộc sống của người dân quay trở lại trạng thái “bình thường mới” trong thời gian tới.

Triển vọng hồi sinh nền kinh tế

Với việc thúc đẩy một trong những chiến dịch tiêm chủng nhanh nhất thế giới và đang dần mở cửa trở lại, nước Mỹ đang rất kỳ vọng vào sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế số một thế giới, sau năm 2020 phải vật lộn với vô vàn khó khăn vì đại dịch Covid-19. Sự kỳ vọng của chính giới và chuyên gia kinh tế Mỹ cũng phù hợp với dự báo gần đây của các định chế tài chính toàn cầu. Trong báo cáo triển vọng kinh tế thế giới công bố hôm 6/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 6,4% năm nay và 3,5% trong năm sau.

Trong bài phát biểu đầu tiên trước phiên họp chung của hai viện Quốc hội hôm 28/4, Tổng thống Joe Biden cho biết, đó sẽ là tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất tại Mỹ trong gần 4 thập kỷ và điều này có sự đóng góp lớn của Kế hoạch Giải cứu nước Mỹ trị giá 1.900 tỷ USD mà Tổng thống Biden đã ký ban hành.

Trong tiến trình phục hồi đó, nền kinh tế Mỹ đã tạo ra 1,3 triệu việc làm mới trong 100 ngày đầu ông Biden nắm quyền, đây là số việc làm mới được tạo ra nhiều hơn bất kỳ tổng thống nào trong cùng khoảng thời gian. Nhà Trắng cũng đang nỗ lực vận động Quốc hội thông qua Kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng trị giá lên tới 2.300 tỷ USD nhằm tạo việc làm và cũng đã chính thức công bố Kế hoạch gia đình Mỹ trị giá 1.800 tỷ USD.

Nếu được Quốc hội thông qua, hai gói ngân sách khổng lồ này sẽ giúp tăng tốc phục hồi của nền kinh tế Mỹ giai đoạn hậu Covid-19, nhất là kế hoạch xây mới hoặc sửa chữa cầu đường, phát triển mạng internet băng thông rộng, hệ thống cấp nước sinh hoạt,… đồng thời duy trì lợi thế cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc và các nước khác về kinh tế và các lĩnh vực khoa học - công nghệ then chốt.

Nước Mỹ trở lại

Nước Mỹ hiện không chỉ là nền kinh tế số một, mà còn là một trong số các thị trường tiêu thụ hàng hóa hàng đầu thế giới. Do vậy, có thể khẳng định sự hồi phục sớm sau đại dịch Covid-19 của Mỹ sẽ góp phần dẫn dắt và khôi phục tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Với tiềm lực kinh tế và khoa học - công nghệ của mình, trong đó có trang thiết bị y tế hiện đại, Mỹ có đủ điều kiện để chia sẻ khó khăn, trợ giúp những nước đồng minh và đối tác trên khắp thế giới hiện vẫn đang phải gồng mình chống chọi với đại dịch Covid-19.

Phát biểu với báo giới ngày 3/5, Tổng thống Joe Biden tuyên bố chính quyền của ông sẽ tiếp tục nỗ lực đảm bảo sự sẵn có của vaccine ngừa Covid-19, đồng thời tăng quy mô để có thể trợ giúp các nước khác sau khi đã chăm sóc cho tất cả người dân Mỹ. Cùng ngày, Nhà Trắng đã “bật đèn xanh” cho công ty Pfizer có thể xuất khẩu vaccine ngừa Covid-19 sản xuất tại Mỹ cho các nước khác. Thực tế, chính phủ Mỹ cũng đang tích cực trợ giúp vật tư, trang thiết bị y tế và thuốc điều trị cho Ấn Độ, nơi hiện là “tâm dịch” Covid-19 của thế giới.

Trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới đang “thực sự khát” cả về trang thiết bị y tế và các loại vaccine để chống chọi với đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, nếu chính quyền Tổng thống Biden có thể mở rộng trợ giúp các nước khác thì uy tín và vị thế của nước Mỹ sẽ được cải thiện rõ rệt.

Điều đó càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Biden đang nỗ lực hàn gắn và củng cố quan hệ với các đồng minh và đối tác trên toàn thế giới, vốn bị sứt mẻ nghiêm trọng sau bốn năm dưới chính quyền tiền nhiệm. Nếu làm được như vậy, sự trợ giúp thiết thực của Mỹ vào thời điểm thế giới đang thực sự cần, sẽ là một minh chứng rõ nét cho cam kết “Nước Mỹ đã trở lại” của Tổng thống Biden.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hóa chất vĩnh cửu - nguy cơ ô nhiễm nguồn nước của 95 triệu người ở Mỹ

Một nghiên cứu mới của chính phủ Mỹ ước tính hóa chất vĩnh cửu (PFAS) có thể làm ô nhiễm nguồn nước của tới 70% trong số khoảng 140 triệu người ở Mỹ lấy nước từ các tầng chứa nước ngầm của quốc gia, thông qua các giếng tư nhân hoặc công cộng, gây ra những tác động tiềm tàng đối với khoảng 95 triệu người, tương đương với 27% dân số nước Mỹ.

Hóa chất vĩnh cửu - nguy cơ ô nhiễm nguồn nước của 95 triệu người ở Mỹ
Thương mại của Trung Quốc với APEC đạt kỷ lục mới trong 10 tháng đầu năm 2024

Ghi nhận trong 10 tháng đầu năm 2024, thương mại của Trung Quốc đạt được với các nền kinh tế thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) chạm mốc cao kỷ lục, vượt 21 nghìn tỷ NDT (2,91 nghìn tỷ USD). Kết quả này đã nhấn mạnh sự hội nhập kinh tế sâu rộng và kết nối thương mại mạnh mẽ giữa các bên.

Thương mại của Trung Quốc với APEC đạt kỷ lục mới trong 10 tháng đầu năm 2024
Return to top