|
|
Biến đổi khí hậu đang thúc đẩy sự lây lan dịch sốt xuất huyết ở châu Âu. Ảnh minh hoạ: Chinhphu.vn |
Trên thế giới, sốt xuất huyết thường xuất hiện phổ biến ở những khu vực có thời tiết ấm như Brazil và Ấn Độ. Nó hiện là bệnh lưu hành tại hơn 100 quốc gia ở Đông Nam Á, châu Phi, châu Mỹ, Đông Địa Trung Hải và Tây Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, dịch bệnh này đã lan sang các khu vực mới, bao gồm cả châu Âu.
Đặc biệt, Pháp đang chứng kiến tình hình dịch tễ học ngày càng phức tạp với số ca mắc sốt xuất huyết tăng đột biến. Số trường hợp nhiễm bệnh ở nước này trong năm 2022 đã vượt quá tổng số ca bệnh được ghi nhận trong hơn 10 năm từ năm 2010 đến năm 2021.
Agence Regionale de Sante - cơ quan chính sách y tế của Pháp, cho biết đã ghi nhận 3 đợt bùng phát sốt xuất huyết riêng biệt trong nước trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 9 năm ngoái.
Trong khi đó, Thư viện Y khoa Quốc gia (NLM) - một viện dữ liệu và nghiên cứu y sinh ở Bethesda, Maryland (Mỹ) đã báo cáo 65 ca mắc sốt xuất huyết trong 9 “sự kiện lây nhiễm” ở các vùng Occitanie, Paca và Corsica của Pháp từ tháng 1 đến tháng 10/2022 .
“Mối đe dọa sức khỏe mới nổi?”
Trong báo cáo “Sốt xuất huyết ở miền nam nước Pháp: mối đe dọa sức khỏe mới nổi?”, Tiến sĩ Owain Donnelly cho biết một ca bệnh điển hình là một phụ nữ người Anh 44 tuổi đã mắc bệnh sốt xuất huyết khi đi du lịch gần Nice vào tháng 9/2022. Trường hợp này sẽ được trình bày trước Đại hội Vi sinh lâm sàng và Bệnh truyền nhiễm châu Âu sắp diễn ra tại Copenhagen, vì nó cho thấy rõ yếu tố dịch tễ học của bệnh sốt xuất huyết “đang thay đổi nhanh chóng”.
Theo Tiến sĩ Donnelly, giữa bối cảnh biến đổi khí hậu – với nhiệt độ đặc biệt nóng hơn và lượng mưa nhiều hơn, cùng với thương mại và du lịch toàn cầu đang ngày càng tăng, nhiều khu vực của châu Âu đang chứng kiến sự kết hợp của các yếu tố dẫn đến bùng phát dịch sốt xuất huyết.
Được biết, sốt xuất huyết lây truyền qua muỗi Aedes, và đây cũng là loài làm lan truyền Zika và chikungunya.
Trên toàn thế giới, mỗi năm có tới 400 triệu ca mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó, khoảng 100 triệu người phải đối mặt với tình trạng bệnh nghiêm trọng gây ra nhiều triệu chứng, bao gồm sốt, đau khớp suy nhược và chảy máu trong. Ước tính, có khoảng 10.000 ca tử vong mỗi năm do sốt xuất huyết.
Tác động từ biến đổi khí hậu
Các chuyên gia cho biết biến đổi khí hậu đang thúc đẩy sự lây lan dịch sốt xuất huyết ở châu Âu. Cơ quan y tế Pháp cũng phát đi cảnh báo nguy cơ nước này sẽ chứng kiến số ca mắc sốt xuất huyết sẽ gia tăng trong thời gian tới.
Tiến sĩ Rontgene Solante, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện San Lazaro ở Philippines, nói rằng biến đổi khí hậu hiện được xem là “động lực” cho sự lan truyền của sốt xuất huyết. Theo ông, sốt xuất huyết có thể sớm trở thành dịch bệnh phổ biến ở Pháp và các khu vực khác của châu Âu là điều “không thể tránh khỏi”, vì chúng ta đang chứng kiến những ngày nắng nóng và ẩm ướt hơn, tạo điều kiện cho muỗi tồn tại và phát triển ở những nơi mà trước đây chúng không thể.
Nhiệt độ ấm lên cũng rút ngắn thời gian cần thiết để muỗi trưởng thành, đốt người và đẩy nhanh thời gian từ khi muỗi mắc bệnh đến khi có thể truyền bệnh.
Theo các nhà khoa học, muỗi Aedes aegypti (còn gọi là muỗi vằn) là loài đặc biệt đáng lo ngại. Trong khi các loài muỗi khác sẽ cắn bất cứ thứ gì thuận tiện, thì muỗi Aedes aegypti lại thích cắn người hơn.
Nhiệt độ ấm lên cũng mở rộng phạm vi sinh sống của muỗi, cho phép chúng sinh sản ở độ cao cao hơn mà không quá lạnh đối với chúng, và kéo dài thời gian chúng có thể hoạt động do kiểu thời tiết ấm nóng kéo dài hơn.
Trong khi đó, độ ẩm cao làm tăng khả năng sống sót, giúp sự phát triển trứng của muỗi Aedes aegypti dễ dàng hơn, trong khi lượng mưa quá mức, bão, lũ lụt và mực nước biển dâng cao có thể làm tăng quần thể của muỗi Aedes aegypti bằng cách cung cấp các vũng nước nông, tù đọng mà chúng cần để sinh sản.
Tiến sĩ Solante cho biết tình hình sốt xuất huyết ở các quốc gia nằm trong vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn khi thế giới ấm dần lên.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Microbiology ước tính rằng trên toàn cầu, hơn 2 tỷ người nữa có thể có nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết vào năm 2080 do biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, một điểm hiếm hoi có thể được coi là “tích cực” là nhiều đợt bùng phát cục bộ hơn như hiện nay có thể thúc đẩy các quốc gia giàu có như Pháp rót thêm nguồn lực và chuyên môn vào cuộc chiến chống sốt xuất huyết thông qua nghiên cứu và phát triển vaccine và các phương pháp điều trị tốt hơn.
Thực tế, vaccine sốt xuất huyết hiện tại - Dengvaxia - không hoàn toàn hiệu quả đối với tất cả mọi người và không bao gồm tất cả các loại sốt xuất huyết.