Sử dụng máy bay không người lái được coi là một bước đột phá lớn trong việc làm giảm số lượng muỗi truyền bệnh. Ảnh minh hoạ: Fruits Grown News
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Science Robotics, đã thử nghiệm việc sử dụng máy bay không người lái để giải phóng muỗi vô sinh như là một phần của Kỹ thuật tiệt sinh côn trùng (SIT) - một hình thức kiểm soát sinh sản của côn trùng đã được sử dụng thành công trong nhiều thập kỷ để chống lại các loại sâu bệnh nông nghiệp chẳng hạn như ruồi giấm Địa Trung Hải và ruồi tsetse. Trong những năm gần đây, các nhà khoa học đã nghiên cứu để phát triển phương pháp này trên muỗi.
SIT là một hình thức kiểm soát vật gây hại bằng cách sử dụng bức xạ ion hóa hay bức xạ hạt nhân để triệt sản (làm vô sinh) hàng loạt các con côn trùng đực được nuôi, sau đó chúng được thả ra để giao phối với con cái hoang dã. Vì chúng không sinh con, nên số lượng côn trùng theo đó sẽ giảm dần theo thời gian.
Phương pháp này đòi hỏi phải giải phóng đồng đều số lượng lớn côn trùng đực vô sinh trong điều kiện tốt để cạnh tranh với các đối tác hoang dã của chúng. Mẫu máy bay không người lái thử nghiệm, được bay thử ở Brazil vào tháng 4/2018, có thể mang tới 50.000 con muỗi vô sinh trên mỗi chuyến bay, thả chúng ra trên 20 ha đất chỉ trong 10 phút mà không làm giảm chất lượng.
Ông Jeremy Bouyer, một nhà côn trùng học y tế thuộc Tổ chức Nông Lương LHQ (FAO) và chương trình Kỹ thuật Hạt nhân trong Thực phẩm và Nông nghiệp của IAEA cho rằng, những phát hiện này thể hiện một bước đột phá lớn trong việc mở rộng việc sử dụng SIT chống muỗi. Phương pháp này mang nhiều ưu điểm như thân thiện với môi trường, và giảm đáng kể chi phí vận hành trong khi vẫn duy trì chất lượng của côn trùng vô sinh. Ví dụ như ứng dụng phương pháp này ở một khu vực mà một chuyến bay không người lái chỉ cần 10 phút thì nếu được thực hiện trên mặt đất, sẽ cần đến 2 giờ và gấp đôi lượng nhân lực.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính rằng các bệnh truyền qua vector chiếm 17% các bệnh truyền nhiễm, dẫn đến hơn 1 triệu ca tử vong mỗi năm, nhưng các quốc gia thường thiếu nguồn lực cho các chương trình diệt muỗi quy mô lớn.
Những tiến bộ trong nghiên cứu này đóng vai trò rất quan trọng để tiến gần hơn đến các phương pháp kiểm soát muỗi hiệu quả về chi phí, ông Eric Rasmussen từ Trường Y tế Công cộng tại Đại học Washington cho biết trong một bài bình luận cũng được đăng trên Science Robotics. Theo ông, kỹ thuật bay không người lái mới này đủ rẻ để có thể giảm bớt những khó khăn của các bệnh do muỗi truyền ở hầu hết mọi nơi.
TỐ QUYÊN (Lược dịch từ IAEA)