ClockThứ Tư, 04/09/2019 21:11

Sốt xuất huyết lan rộng ở châu Á

TTH - SCMP trích dẫn các dữ liệu tổng hợp mới đây cho thấy dịch sốt xuất huyết đang càn quét khắp châu Á, giết chết hàng trăm người và khiến hàng chục ngàn người mắc bệnh, làm quá tải các dịch vụ y tế và gây hoang mang cho các nhà lãnh đạo.

Sốt xuất huyết lan rộng ở ASEAN, Philippines bị ảnh hưởng nặng nề nhất

Sốt xuất huyết là một bệnh nhiễm virus do muỗi truyền và chủ yếu xảy ra vào mùa mưa. Ảnh: SCMP

Theo thống kê, Bangladesh đang trải qua đợt bùng phát dịch sốt xuất huyết lớn nhất trong 2 thập kỷ qua với ít nhất 40 người đã tử vong. Bộ Y tế Bangladesh đã ghi nhận tổng cộng 43.271 bệnh nhân sốt xuất huyết từ ngày 1/1 đến ngày 12/8 năm nay, so với 10.148 ca mắc bệnh và 26 trường hợp tử vong ở nước này trong năm ngoái.

Philippines cũng chứng kiến ​​hơn 146.000 ca sốt xuất huyết được xác nhận từ đầu năm đến nay, và ít nhất là 62 người Philippines đã chết vì bệnh này. Cục Kiểm soát dịch bệnh Thái Lan công bố báo cáo mới nhất cho thấy chỉ trong nửa đầu tháng 7, thêm 4.503 trường hợp mắc sốt xuất huyết mới đã được ghi nhận, đưa tổng số ca mắc bệnh trong năm nay lên 49.174 trường hợp với 64 trường hợp tử vong.

Myanmar, Campuchia, Việt Nam và Lào cũng đang chứng kiến ​​sự gia tăng lớn các ca sốt xuất huyết gây tử vong trong năm nay. Trong khi Việt Nam đã báo cáo hơn 105.000 bệnh nhân sốt xuất huyết, trong đó có 10 trường hợp tử vong trong 7 tháng đầu năm 2019 thì Campuchia ghi nhận hơn 13.000 ca mắc sốt xuất huyết trong cùng thời gian đó, tăng khoảng 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, với 24 người tử vong, giám đốc Trung tâm Ký sinh trùng, Côn trùng học và Kiểm soát sốt rét của Campuchia cho biết.

Là một bệnh nhiễm virus do muỗi truyền và chủ yếu xảy ra vào mùa mưa, Bộ trưởng Bộ Y tế Lào Bounkong Syhavong cảnh báo rằng "điều kiện thời tiết năm nay có thể dẫn đến một đợt bùng phát sốt xuất huyết lan rộng nếu các biện pháp phòng ngừa không được áp dụng để kiểm soát virus".

Theo SCMP, sự bùng phát dịch sốt xuất huyết ở châu Á hiện nay là dấu hiệu của một bệnh dịch lớn hơn đang lan rộng trên khắp thế giới, do sự đô thị hóa nhanh chóng kết hợp với sự nóng lên toàn cầu. Các ước tính hiện tại cho thấy có đến 40% dân số thế giới hiện đang đối mặt với nguy cơ mắc bệnh.

"Tỷ lệ mắc sốt xuất huyết đã gia tăng mạnh mẽ trên toàn thế giới trong những thập kỷ gần đây", Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra cảnh báo, đồng thời cho biết rằng phần lớn các trường hợp mắc bệnh không có triệu chứng cụ thể và do đó, số lượng ca sốt xuất huyết thực tế không được báo cáo đầy đủ và nhiều trường hợp được phân loại sai. Tổ chức này ước tính mỗi năm có khoảng 390 triệu ca mắc sốt xuất huyết trên toàn cầu.

Đáng chú ý, sau nhiều thập kỷ đấu tranh để ngăn chặn căn bệnh này bằng các phương pháp truyền thống như tiêm chủng, các nhà khoa học phát hiện ra rằng một loại vi khuẩn siêu nhỏ vốn có ở nhiều loài côn trùng, được gọi là Wolbachia, có thể chính là câu trả lời. Hiện tại, từ các trường đại học cho đến các công ty dược phẩm, cho dù vì sức khỏe cộng đồng hay lợi nhuận, thì “cuộc đua” để tiêu diệt dịch bệnh này cũng đang tích cực diễn ra.

Theo WHO, dù không có cách điều trị cụ thể cho bệnh sốt xuất huyết, nhưng việc phát hiện sớm và tiếp cận chăm sóc y tế đúng cách sẽ làm giảm tỷ lệ tử vong dưới 1%.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ SCMP & Xinhuanet)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Châu Á: Ngành vận tải biển vẫn tăng trưởng mạnh bất chấp những cú sốc toàn cầu

Trong một thế giới ngày càng kết nối, căng thẳng địa chính trị và tác động của biến đổi khí hậu đang gây ra những tác động toàn cầu, bao gồm cả châu Á. Tuy nhiên, với sức mạnh của ngành vận tải biển, châu lục này vẫn là khu vực kết nối tốt nhất với các mạng lưới vận tải trên toàn thế giới, đánh giá mới nhất về vận tải biển năm 2024 vừa được Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) công bố nêu rõ.

Châu Á Ngành vận tải biển vẫn tăng trưởng mạnh bất chấp những cú sốc toàn cầu
Châu Á đối mặt nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu do xung đột ở Trung Đông

Căng thẳng gia tăng giữa Israel và Iran đang đe dọa làm gián đoạn nguồn cung dầu được vận chuyển qua Eo biển Hormuz - một tuyến đường năng lượng quan trọng đối với châu Á. Khu vực này cũng đang đứng trước mối lo ngại ngày càng tăng rằng, một cuộc xung đột rộng hơn ở Trung Đông có thể làm tắc nghẽn nguồn cung và gây bất ổn thị trường dầu mỏ.

Châu Á đối mặt nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu do xung đột ở Trung Đông
Return to top