Thế giới

Pháp khuyến cáo tiêm phòng cúm song song với chủng ngừa COVID-19

ClockChủ Nhật, 24/10/2021 14:47
Theo Bộ Y tế Pháp, việc tiêm phòng cúm song song với chủng ngừa COVID-19 nhằm ứng phó với đại dịch, đồng thời ngăn chặn nguy cơ bùng phát các ca nhiễm cúm, tránh quá tải cho hệ thống y tế nước này.

Dịch COVID-19: Pháp mở rộng áp dụng thẻ thông hành y tế

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Paris (Pháp). Ảnh: AFP/TTXVN

Chính phủ Pháp mới đây khuyến cáo người dân nên tiêm phòng cúm song song với chủng ngừa COVID-19 tại các điểm tiêm chủng, qua đó thúc đẩy một trong những đợt tiêm vaccine mùa Đông lớn nhất tại nước này.

Bộ Y tế Pháp nhấn mạnh chiến dịch trên vừa nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19 đang hoành hành vừa nhằm ngăn chặn nguy cơ bùng phát các ca nhiễm cúm, để từ đó tránh gây quá tải cho hệ thống y tế trên cả nước.

Các chuyên gia khẳng định việc tiêm cùng lúc vaccine phòng cúm và vaccine ngừa COVID-19 không nguy hiểm. Những người đủ điều kiện tiêm vaccine COVID-19 liều tăng cường tại Pháp có thể tiêm từng loại vaccine ở mỗi bên tay trong cùng một lần đi tiêm phòng.

Pháp cũng đã cấp phép tiêm liều tăng cường cho những người trên 65 tuổi, phụ nữ có thai, các trường hợp có bệnh lý nền và những người đã tiêm vaccine của hãng Johnson & Johnson.

Trước đó, trong một phát biểu trên truyền hình ngày 22/10, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran đã kêu gọi người dân nước này tiêm cả hai loại vaccine nói trên trong cùng một lần tiêm chủng. Ông Véran cho biết hiện đã có sẵn 10 triệu liều vaccine phòng cúm tại các cơ sở y tế và ưu tiên cho những người dễ tổn thương nhất.

Mặc dù các biện pháp ngăn ngừa COVID-19 giúp số ca nhiễm và nhập viện do cúm tại Pháp ở mức thấp vào năm ngoái, nhưng các chuyên gia y tế cảnh báo vẫn có nguy cơ bùng phát đợt dịch cúm vào mùa đông này, do khả năng miễn dịch đã suy giảm sau nhiều tháng giãn cách xã hội việc nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng COVID-19.

Nỗ lực mới được kỳ vọng sẽ thúc đẩy xu hướng tiêm vaccine ngừa COVID-19 bên cạnh việc khuyến khích những người có nguy cơ tới tiêm vaccine liều tăng cường. Cho đến nay, có khoảng 68% người dân Pháp đã được tiêm chủng đầy đủ.

Trước đó, ngày 15/10, Ủy viên y tế và thực phẩm Liên minh châu Âu (EU), bà Stella Kyriakides, cảnh báo nguy cơ hình thành “dịch kép” do các loại virus gây COVID-19 và cúm mùa hoạt động mạnh khi mùa đông sắp đến. Bà cho biết có đến 40.000 người tại EU qua đời hàng năm liên quan đến cúm mùa ngay cả khi không có đại dịch và kêu gọi người dân tiêm vaccine ngừa cúm mùa.

Thời gian gần đây, giới chức y tế tại nhiều quốc gia khác cũng đã khuyến khích người dân tiêm phòng cả COVID-19 và bệnh cúm mùa. Đơn cử như tại Anh, ngày 22/10, chính phủ nước này đã triển khai chiến dịch quảng cáo toàn quốc thông qua đài phát thanh, kênh truyền hình, phương tiện truyền thông xã hội và trên những tấm biển quảng cáo để kêu gọi người dân tiêm cả hai loại vaccine này.

Tại Mỹ, các cơ quan y tế bang và thành phố cũng khuyến khích các công dân thực hiện việc tiêm phòng tương tự. Bà Chaitali Mukherjee, Giám đốc điều hành Trung tâm thể chất và sức khỏe sinh viên Arthur Ashe, thuộc Đại học California, Los Angeles (UCLA), khẳng định việc tiêm đồng thời vaccine phòng cúm và vaccine phòng COVID-19, kể cả mũi tăng cường, không gây rủi ro.

Ngoài ra, người dân có thể áp dụng các biện pháp phòng ngừa cúm tương tự phòng ngừa COVID-19, bao gồm sát khuẩn tay, đeo khẩu trang và giãn cách xã hội, đặc biệt tránh tiếp xúc gần với những người bị ốm.

Theo Vietnam+

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyến thăm Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm:
Dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam, Pháp

Theo đặc phái viên TTXVN, ngày 7/10 theo giờ địa phương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời sân bay Orly, thủ đô Paris lên đường về nước kết thúc tốt đẹp các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp từ ngày 3/10 -7/10/20024, theo lời mời của Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron.

Dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam, Pháp
Return to top