Thế giới

Phát thải từ giới siêu giàu trong 90 phút còn cao hơn trong cả đời người bình thường

ClockThứ Hai, 28/10/2024 15:21
TTH.VN - Theo báo cáo mới được công bố hôm nay (28/10) của Oxfam - tổ chức toàn cầu đấu tranh chống bất bình đẳng để chấm dứt đói nghèo và bất công, lượng CO2 trung bình mà 50 tỷ phú giàu nhất thế giới thải ra thông qua các khoản đầu tư, máy bay phản lực tư nhân và du thuyền của họ trong 90 phút còn cao hơn cả lượng phát thải mà một người bình thường thải ra trong suốt cả cuộc đời.

Lượng khí thải metan toàn cầu đang tăng vọt lên mức cao kỷ lụcGia tăng áp lực về việc áp thuế đối với lượng khí thải CO2 của ngành vận tải biển toàn cầuCần mục tiêu cụ thể để giảm lượng khí thải từ hoạt động bay của doanh nghiệpChâu Á - Thái Bình Dương: Cần tách rời tăng trưởng kinh tế khỏi phát thải carbon

Máy bay phản lực tư nhân và siêu du thuyền của các tỷ phú thải ra lượng phát thải CO2 rất lớn. Ảnh minh họa: Luxuo 

Trong nghiên cứu đầu tiên ở lĩnh vực này, các nhà nghiên cứu đã theo dõi lượng khí thải từ các máy bay phản lực tư nhân, du thuyền và các khoản đầu tư gây ô nhiễm, đồng thời nêu rõ những tác động mà giới siêu giàu gây ra đang làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng, nạn đói và cái chết trên toàn thế giới. Báo cáo này được công bố trước thềm Hội nghị khí hậu COP29 sắp diễn ra tại Baku, Azerbaijan, trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại rằng biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn, chủ yếu là do lượng khí thải từ những người giàu nhất.

Theo Oxfam, nếu thế giới tiếp tục thải ra lượng khí thải như hiện tại, ngân sách carbon (lượng CO2 vẫn có thể thải ra khí quyển mà không khiến nhiệt độ toàn cầu tăng quá 1,5 độ C) sẽ cạn kiệt trong khoảng 4 năm. Tuy nhiên, nếu lượng khí thải của mọi người bằng với lượng khí thải của 1% những người giàu nhất thế giới, thì ngân sách carbon sẽ cạn kiệt trong vòng chưa đầy 5 tháng. Và nếu mọi người bắt đầu thải ra lượng carbon trung bình như từ máy bay phản lực tư nhân và siêu du thuyền của các tỷ phú trong nghiên cứu của Oxfam, thì ngân sách carbon này sẽ biến mất chỉ trong vòng 2 ngày.

Giám đốc điều hành của Oxfam International Amitabh Behar cho biết nghiên cứu mới này đã chỉ ra một hiện thực đau đớn rằng lượng khí thải cực lớn của những người giàu nhất thế giới - từ lối sống xa hoa và cả từ các khoản đầu tư gây ô nhiễm của họ - “đang thúc đẩy bất bình đẳng, nạn đói và đe dọa tính mạng con người”. 

Là nghiên cứu đầu tiên xem xét cả phương tiện giao thông xa xỉ và các khoản đầu tư gây ô nhiễm của các tỷ phú, báo cáo đưa ra các bằng chứng mới về cách mà lượng phát thải quá mức của giới siêu giàu đang đẩy nhanh tốc độ biến đổi khí hậu, tàn phá cuộc sống và nền kinh tế. Trong khi các quốc gia và cộng đồng nghèo nhất thế giới gây ra ít tác động nhất đến cuộc khủng hoảng khí hậu, thì họ lại phải gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng nhất.

Oxfam phát hiện ra rằng trung bình, 50 tỷ phú giàu nhất thế giới đã thực hiện 184 chuyến bay trong một năm, dành 425 giờ trên không trung và thải ra lượng carbon tương đương với lượng carbon mà một người bình thường thải ra trong 300 năm. Trong cùng thời gian đó, du thuyền của họ thải ra lượng carbon tương đương với lượng carbon mà một người bình thường thải ra trong 860 năm.

Đơn cử như 2 máy bay phản lực riêng của tỷ phú Jeff Bezos đã bay gần 25 ngày trong khoảng thời gian 12 tháng và thải ra lượng carbon tương đương với lượng carbon trung bình mà một nhân viên Amazon ở Mỹ thải ra trong 207 năm. 

Lượng khí thải từ lối sống của các tỷ phú lớn hơn nhiều so với lượng khí thải của những người bình thường, nhưng lượng khí thải từ các khoản đầu tư của họ thậm chí còn cao hơn rất nhiều. Cụ thể, lượng khí thải trung bình từ các khoản đầu tư của 50 tỷ phú giàu nhất thế giới cao gấp khoảng 340 lần lượng khí thải từ máy bay phản lực riêng và siêu du thuyền cộng lại. Thông qua các khoản đầu tư này, các tỷ phú có ảnh hưởng rất lớn đến một số tập đoàn lớn nhất thế giới và đang đẩy con người đến bờ vực của thảm họa khí hậu. Trong nghiên cứu của Oxfam, gần 40% các khoản đầu tư của các tỷ phú là vào các ngành công nghiệp gây ô nhiễm cao như dầu mỏ, khai khoáng, vận chuyển và xi măng.

Báo cáo của Oxfam cho thấy lượng khí thải của 1% người giàu nhất thế giới kể từ năm 1990 đến nay đã, đang và dự kiến sẽ gây ra những hậu quả tàn khốc:

Bất bình đẳng toàn cầu. Lượng khí thải của 1% người giàu nhất đã khiến sản lượng kinh tế toàn cầu giảm 2,9 nghìn tỷ USD kể từ năm 1990. Các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp sẽ mất khoảng 2,5% GDP tích lũy trong giai đoạn 1990 - 2050, trong đó Nam Á sẽ mất 3% GDP, trong khi Đông Nam Á và châu Phi cận Sahara sẽ cùng tổn thất 2,4%.

Nạn đói. Lượng khí thải của 1% người giàu nhất đã gây ra tình trạng mất mùa, vốn có thể cung cấp đủ lượng calo để nuôi sống 14,5 triệu người mỗi năm trong giai đoạn 1990 - 2023. Con số này sẽ tăng lên 46 triệu người mỗi năm trong giai đoạn 2023 - 2050, trong đó Mỹ Latinh và Caribe là những nơi bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng.

Tử vong. Đến năm 2120, 78% số ca tử vong do nhiệt độ cao sẽ xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp.

Trong bối cảnh đó, trước thềm COP29, Oxfam kêu gọi các chính phủ hành động để giảm lượng khí thải của những người giàu nhất. Các chính phủ cần áp dụng thuế thu nhập và thuế tài sản cố định đối với 1% người giàu nhất, cấm hoặc đánh thuế trừng phạt đối với các khoản tiêu dùng xa xỉ thải ra nhiều carbon, đồng thời quản lý các tập đoàn và nhà đầu tư để giảm mạnh lượng phát thải.

Bên cạnh đó, Oxfam yêu cầu những người gây ô nhiễm giàu có phải chịu trách nhiệm tương xứng, khi nhu cầu tài chính cho khí hậu là rất lớn và đang ngày càng gia tăng. Ngoài ra, Oxfam kêu gọi các chính phủ cần cam kết đảm bảo rằng thu nhập của 10% người giàu nhất không cao hơn 40% người nghèo nhất, cả trên toàn cầu và ở cấp độ quốc gia.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Oxfam)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hãy dùng hành động để ủng hộ “thỏa thuận xanh” của thế giới

Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP29) tổ chức tại Baku (Azerbaijan) từ ngày 11 - 22/11 đưa tính cấp thiết của việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu trở lại chương trình nghị sự quốc tế.

Hãy dùng hành động để ủng hộ “thỏa thuận xanh” của thế giới
Return to top