|
Hành khách tại sân bay quốc tế O'Hare ở tiểu bang Illinois, Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN |
Theo tổ chức có trụ sở tại thủ đô Brussels (Bỉ), chỉ 17% trong số 328 doanh nghiệp toàn cầu được đơn vị này phân tích có kế hoạch đáng tin cậy để giảm lượng khí thải từ hoạt động bay của doanh nghiệp.
“Một số doanh nghiệp đã sớm nhận ra, đại dịch COVID-19 mang đến cơ hội để thực hiện mọi việc theo cách mới, và thực sự đã kiểm soát được lượng khí thải từ hoạt động bay của họ”, bà Denise Auclair, Giám đốc Bộ phận Chiến dịch đi lại của doanh nghiệp tại T&E cho biết.
Đi máy bay là hình thức đi lại phát thải nhiều khí thải nhất, và khó khử carbon bởi hiện tại không có lựa chọn nào có lượng carbon thấp, hoặc không có khí thải hiệu quả về mặt kinh tế.
Trong một số liệu liên quan, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, lượng khí thải CO2 từ hoạt động đi lại bằng đường hàng không đã giảm mạnh trong đại dịch COVID-19, nhưng đã phục hồi 85% mức trước đại dịch vào năm 2022. Cũng trong năm 2022, hàng không chiếm 2% lượng khí thải trên toàn cầu.
Để giảm lượng khí thải, các hãng hàng không đang thử nghiệm nhiên liệu hàng không bền vững, nhưng những loại nhiên liệu này vẫn khan hiếm và đắt tiền. Theo báo cáo của T&E, việc đi lại bằng tàu hỏa là điều cần thiết để cắt giảm ngay lập tức lượng khí thải carbon trong hoạt động đi lại của doanh nghiệp.
Mặc dù lượng khí thải gắn liền với các chuyến đi dọc theo các tuyến đường kinh doanh thông thường có thể thấp hơn tới 97% khi đi bằng tàu hỏa, so với đi máy bay, nhưng chỉ 28 doanh nghiệp được T&E phân tích có chính sách chuyển việc đi lại bằng đường hàng không sang đường sắt. Bên cạnh đó, việc kết hợp các chuyến đi và tổ chức các cuộc họp trực tuyến là những cách hiệu quả để giảm lượng khí thải carbon trong hoạt động đi lại của doanh nghiệp.
Trong số tất cả các doanh nghiệp được phân tích, và xếp hạng dựa trên lượng khí thải từ hoạt động đi lại bằng đường hàng không và các mục tiêu giảm phát thải, 25 doanh nghiệp có lượng khí thải từ hoạt động đi lại bằng đường hàng không cao nhất chịu trách nhiệm cho 1/3 lượng khí thải trong toàn bộ danh sách.
Chỉ có 5 doanh nghiệp trong danh sách của T&E công bố lượng khí thải từ hoạt động đi lại bằng đường hàng không, và cam kết giảm một nửa lượng khí thải đó vào năm 2025 hoặc sớm hơn. Báo cáo gọi đây là “tiêu chuẩn vàng”.
Qua đó, bà Florence Long, người phát ngôn của Liên đoàn Môi trường Hàng không Anh (AEF) cho rằng, các doanh nghiệp tụt hậu cần phải nỗ lực hơn nữa; đồng thời nói thêm: “Nhiều năm sau khi thế giới doanh nghiệp học cách kết nối và hợp tác với ít chuyến bay hơn, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa hành động… Điều bắt buộc là các doanh nghiệp phải đặt ra những mục tiêu cụ thể và các cam kết ràng buộc để đạt được mức độ thấp hơn đối với hoạt động bay của doanh nghiệp”.