|
|
Các container được vận chuyển tại một cảng hàng hóa ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh minh họa: THX/TTXVN |
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Tạp chí Nikkei Asia, nhà kinh tế trưởng của AMRO, ông Khor Hoe Ee nhận định, khu vực Đông Nam Á phải đối mặt với một "cơn gió ngược rất mạnh" trong xuất khẩu; đồng thời cho rằng, sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc là chìa khóa cho sự tăng trưởng hơn nữa của khu vực mới nổi này.
"Có một cơn gió ngược rất mạnh về phía xuất khẩu. Xuất khẩu đang suy yếu, và điều đó là yếu tố tiêu cực đối với một số quốc gia trong khu vực", ông Khor Hoe Ee nói thêm.
Các quốc gia Đông Nam Á xuất khẩu chất bán dẫn và những linh kiện khác sang Trung Quốc, nơi các nhà sản xuất lắp ráp chúng thành điện thoại thông minh và các sản phẩm khác, và được vận chuyển đến Mỹ và khu vực châu Âu. Vì vậy, khi xuất khẩu của Trung Quốc không hoạt động tốt, tác động lan tỏa trong khu vực cũng không được mạnh mẽ. Nhưng một khi xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ và châu Âu tăng lên, thì nhập khẩu của Trung Quốc từ khu vực Đông Nam Á cũng sẽ mạnh hơn nhiều.
Đáng chú ý, AMRO đã nâng mức tăng trưởng dự báo của ASEAN trong năm tới thêm 0,1 điểm phần trăm lên 5,3%. “Chúng tôi cho rằng, xuất khẩu của ASEAN sẽ được tăng cường vào cuối năm nay và trong năm tới, và sẽ mạnh mẽ hơn nhiều”, ông Khor Hoe Ee nhận định.
Bên cạnh hàng hóa, du lịch nước ngoài của Trung Quốc vẫn yếu, ngay cả sau đại dịch COVID-19. Đáng chú ý, du lịch đóng vai trò cần thiết đối với hầu hết các nền kinh tế ở Đông Nam Á, đặc biệt là Campuchia, Thái Lan và Philippines.
“Tất nhiên, thị trường lớn nhất trong khu vực là Trung Quốc”, nhà kinh tế trưởng của AMRO nói thêm; đồng thời lưu ý, khách du lịch Trung Quốc từng chiếm 1/3 lượng khách du lịch trong khu vực, nhưng hiện chỉ chiếm 8%.
Con số này vẫn ở dưới mức được ghi nhận trước đại dịch, điều đó có nghĩa là vẫn còn rất nhiều tiềm năng đối với khách du lịch Trung Quốc đến du lịch trong khu vực, và sẽ giúp hỗ trợ một số nền kinh tế trong khu vực.
Ông Khor Hoe Ee cũng lưu ý, các quốc gia ASEAN được hưởng lợi từ việc "tái cấu trúc chuỗi cung ứng", khi các doanh nghiệp cố gắng xây dựng khả năng phục hồi cao hơn trong bối cảnh bất ổn địa chính trị.
Trong đó, những quốc gia được hưởng lợi chính là Việt Nam, Thái Lan và Malaysia; cũng như Indonesia, bởi vì các doanh nghiệp Trung Quốc hiện đang đầu tư mạnh vào Indonesia để khai thác niken và sau đó xử lý loại vật liệu này. Niken là một vật liệu chính cho pin dùng trong xe điện và các sản phẩm khác.