Thế giới

Quốc hội Nhật Bản thông qua ngân sách cao kỷ lục 107.600 tỷ Yên

ClockThứ Tư, 23/03/2022 07:01
TTH.VN - Hôm qua (22/3), Quốc hội Nhật Bản đã thông qua dự thảo ngân sách cao kỷ lục lên đến 107.600 tỷ Yên (khoảng 900 tỷ USD theo tỷ giá hiện tại) cho tài khóa 2022, để tài trợ cho các hoạt động phòng, chống đại dịch COVID-19, cũng như hỗ trợ an sinh xã hội và tăng chi tiêu quốc phòng, tin từ The Japan Times cho biết.

Nhật Bản phê duyệt ngân sách kỷ lục 939 tỷ USD cho năm tài khoá 2020Nội các Nhật Bản phê duyệt ngân sách kỷ lục 900 tỷ USD cho năm tài chính 2019

Dự thảo ngân sách tài khoá 2022 của Nhật Bản cao kỷ lục đến 107.600 tỷ Yên. Ảnh minh hoạ: AFP/TTXVN

Theo đó, Thượng viện Nhật Bản đã phê chuẩn dự thảo ngân sách cho năm tài chính bắt đầu từ ngày 1/4 tới, sau khi dự thảo này được Hạ viện “bật đèn xanh” vào cuối tháng 2 vừa qua.

Cùng với sự ủng hộ của một trong các đảng đối lập nhỏ - một điều hiếm khi xảy ra, đây sẽ là mức ngân sách cao kỷ lục của Nhật Bản trong năm thứ 10 liên tiếp.

Theo dự thảo, ngân sách sẽ phân bổ 36.270 tỷ yên - khoản chi lớn nhất từ ​​trước đến nay trong lĩnh vực an sinh xã hội, cho việc giải quyết tình trạng già hoá dân số nhanh chóng của Nhật Bản. Con số này tăng từ mức 35.830 tỷ yên trong năm tài chính trước đó và chiếm hơn một phần ba tổng chi tiêu.

Trong khi đó, tổng cộng 5.400 nghìn tỷ Yên sẽ được dành cho chi tiêu quốc phòng - cũng là một con số cao kỷ lục, giữa bối cảnh Nhật Bản đặt mục tiêu phát triển các công nghệ mới để đảm bảo an ninh quốc gia và chống lại mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Để đối phó với đại dịch COVID-19, Chính phủ Nhật Bản cũng dành ra 5.000 tỷ yên làm quỹ dự phòng cho các hoạt động ứng phó trong tương lai, tương đương số tiền được thiết lập trong năm tài chính 2021. Số tiền này có thể được chi tiêu mà không cần phải được Quốc hội thông qua.

Ngoài Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Thủ tướng Fumio Kishida và đối tác liên minh cấp dưới là Komeito - vốn kiểm soát cả 2 viện của Quốc hội, dự thảo ngân sách lần này cũng được đảng đối lập Dân chủ vì Nhân dân (DPP) ủng hộ.

Lãnh đạo DPP Yuichiro Tamaki cho biết, đảng đối lập nhỏ này ủng hộ dự thảo ngân sách, như đã ủng hộ tại Hạ viện trước đó, vì Thủ tướng Kishida hứa sẽ xem xét “điều khoản kích hoạt”, trong đó sẽ tạm thời cắt giảm thuế xăng khi giá dầu thô tăng mạnh.

Trong bối cảnh chi phí nhiên liệu tăng cao, chính phủ và liên minh cầm quyền có kế hoạch xây dựng một gói cứu trợ sau khi ngân sách tài khóa 2022 có hiệu lực.

Theo lời Thủ tướng Kishida, chính phủ Nhật Bản cam kết đạt thặng dư ngân sách thu chi cân đối vào năm 2025, nhưng có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn để đạt được mục tiêu đó do nước này phụ thuộc nhiều vào việc vay nợ để tài trợ chi tiêu. 

Đối với ngân sách tài khóa 2022, phát hành trái phiếu mới sẽ là 36.930 tỷ Yên - giảm từ mức 43.600 tỷ Yên so với ngân sách ban đầu của năm trước. Đối với chi phí trả nợ, 24.340 tỷ Yên được phân bổ, tăng từ 23.760 tỷ Yên của một năm trước đó.

Bảo Nghi (Lược dịch từ Japan Times)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thương mại của Trung Quốc với APEC đạt kỷ lục mới trong 10 tháng đầu năm 2024

Ghi nhận trong 10 tháng đầu năm 2024, thương mại của Trung Quốc đạt được với các nền kinh tế thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) chạm mốc cao kỷ lục, vượt 21 nghìn tỷ NDT (2,91 nghìn tỷ USD). Kết quả này đã nhấn mạnh sự hội nhập kinh tế sâu rộng và kết nối thương mại mạnh mẽ giữa các bên.

Thương mại của Trung Quốc với APEC đạt kỷ lục mới trong 10 tháng đầu năm 2024
Nhật Bản ghi nhận thặng dư tài khoản vãng lai kỷ lục

Nhật Bản đã ghi nhận mức thặng dư tài khoản vãng lai kỷ lục 15,82 nghìn tỷ yen (tương đương 103 tỷ USD) trong nửa đầu năm tài chính 2024, được thúc đẩy bởi lợi nhuận gia tăng từ các khoản đầu tư nước ngoài trong bối cảnh đồng yen yếu đi.

Nhật Bản ghi nhận thặng dư tài khoản vãng lai kỷ lục
Thu hút vốn FDI từ Nhật Bản

Với tổng số vốn đăng ký 248 triệu USD, chiếm 15% về số lượng và 5,4% về vốn đầu tư nước ngoài (FDI) toàn tỉnh, doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đang là đối tác quan trọng trong việc kêu gọi đầu tư FDI vào Thừa Thiên Huế.

Thu hút vốn FDI từ Nhật Bản
Return to top