5 ngày sau vụ không kích của Mỹ tại Iraq khiến tướng quân đội hàng đầu Iran Qassem Soleimani thiệt mạng, sáng sớm 8/1, Iran đã bắt đầu các hành động trả đũa, với việc nã nhiều tên lửa đạn đạo vào hai căn cứ Mỹ ở Iraq. Những vụ không kích này đánh dấu một bước ngoặt lớn, có nguy cơ làm leo thang căng thẳng khu vực, thậm chí là một cuộc chiến tranh trực tiếp giữa Mỹ và Iran. Cộng đồng quốc tế và cả giới chính trị Mỹ đã không khỏi lo ngại.
Sáng sớm 8/1, Iran nã nhiều tên lửa đạn đạo vào hai căn cứ Mỹ ở Iraq. Ảnh minh họa: Youtube
Tại Washington, các nhà lãnh đạo của cả hai đảng chính trị lớn tại Mỹ là Dân chủ và Cộng hòa đều cho biết đang chờ đợi thêm thông tin liên quan tới cuộc tấn công tên lửa của Iran nhằm vào các lực lượng do Mỹ lãnh đạo tại Iraq, đồng thời kêu gọi chính quyền đảm bảo an toàn và an ninh cho những quân nhân Mỹ.
“Tình hình đang rất hỗn loạn. Chúng ta cần phải xác định có bao nhiêu trong số những tên lửa này bắn trúng mục tiêu, liệu hệ thống phòng thủ của chúng ta có đủ khả năng giảm thiểu các hậu quả hay không. Chúng ta sẽ theo dõi sát tình hình và sau đó sẽ đưa ra hành động đáp trả phù hợp”, nghị sỹ đảng Cộng hòa Thom Tillis nói.
“Mối quan tâm đầu tiên của tôi lúc này là sự an toàn và an ninh của quân đội Mỹ, cũng như các đồng minh của Mỹ trong khu vực. Tôi đang đặt câu hỏi liệu chính quyền Tổng thống Trump thực sự có chiến lược rõ ràng trong vấn đề này hay không? Điều quan trọng là chúng ta phải tham khảo ý kiến của các đồng minh trong khu vực, là Tổng thống phải tham khảo ý kiến của Quốc hội và đưa ra một chiến lược rõ ràng để nước Mỹ không bị cuốn vào một cuộc chiến quy mô lớn nữa ở Trung Đông. " nghị sĩ đảng Dân chủ Chris Coons cho biết.
Trên Twitter cá nhân, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi viết: “Chúng ta phải đảm bảo sự an toàn của những người đang phục vụ quốc gia, bao gồm chấm dứt những hành động khiêu khích không cần thiết từ chính quyền và yêu cầu Iran chấm dứt bạo lực. Mỹ và thế giới không đủ khả năng để đối phó với một cuộc chiến tranh”.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio thì cho biết, một đánh giá đầy đủ đang được tiến hành để xác định phản ứng thích hợp.
Bên ngoài nước Mỹ, cộng đồng thế giới không khỏi lo ngại về nguy cơ một cuộc chiến tranh toàn diện giữa Mỹ và Iran, làm leo thang hơn nữa căng thẳng tại một khu vực vốn được xem là “điểm nóng” của thế giới.
Là một trong những nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên đưa ra phản ứng, Thủ tướng Australia Scott Morrison ngày 8/1 khẳng định, tất cả các nhân viên ngoại giao và quân sự của nước này đóng quân ở Iraq đều an toàn sau cuộc tấn công tên lửa của Iran. Nhà lãnh đạo Australia cho biết sẽ cập nhật thường xuyên tình hình và ngay ngày hôm nay sẽ trở lại thủ đô Canberra để họp khẩn các chỉ huy quốc phòng và các bộ trường liên quan.
“Chỉ huy Lực lượng quốc phòng đã xác nhận tôi rằng, vào thời điểm hiện nay, tất cả các nhân viên ngoại giao và quân sự của Australia đóng quân ở Iraq đều an toàn. Nhưng rõ ràng đây là một tình huống hỗn loạn và tôi đã chỉ thị cho các Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Ngoại giao liên lực thường xuyên với các đối tác. Tôi sẽ trở lại Canberra ngay trong ngày hôm nay để họp với các các chỉ huy quốc phòng cũng như các bộ trưởng chủ chốt để đưa ra quyết định tiếp theo”, Thủ tướng Australia khẳng định.
Tại New Zealand, Ngoại trưởng nước này Winston Peters cùng ngày bày tỏ lo ngại về sự leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Iran, đồng thời nhấn mạnh, giờ là lúc các bên càm kiếm chế để tạo cơ hội cho ngoại giao. Ông đồng thời xác nhận, các nhân viên quân sự của New Zealand đóng quân ở Iraq đều an toàn. Nước này hiện triển khai khoảng 50 nhân viên quân sự tại Iraq. Chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc hôm nay cũng cho biết theo dõi sát tình hình và liên lạc thường xuyên với Bộ Quốc phòng Mỹ.
Ngay sau thông tin về vụ tấn công, Chính phủ Philippines vừa yêu cầu sơ tán bắt buộc đối với công dân Philippines tại Iraq. Theo Bộ Ngoại giao nước này, mức cảnh báo an ninh đối với Iraq đã được nâng lên cấp 4.
Cuộc tấn công đáp trả của Mỹ đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến giữa Mỹ và Iran. Các đồng minh của Mỹ đã bắt đầu rời Baghdad. Canada, hiện dẫn dắt nhiệm vụ huấn luyện của NATO, cho biết họ đã rút một phần trong số 500 quân. Hầu hết số quân NATO rút đi được cho là sẽ tới Kuwait. Giới quan sát cho rằng những lời đe dọa leo thang quân sự ở Tehran có thể khiến các nhà lãnh đạo Iran không có nhiều lựa chọn ngoài việc thực hiện một cuộc phản công lớn. Điều này cũng đã khiến các căn cứ của Mỹ ở Kuwait, Iraq, Jordani và Saudi Arabia được đặt trong tình trạng cảnh giác tối đa.
Mọi nỗ lực quốc tế nhằm làm dịu căng thẳng đều đang được triển khai. Trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron điện đàm với Tổng thống Iran Hassan Rouhani về tình hình khẩn cấp tại khu vực, thì Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng duy trì liên lạc thường xuyên với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres không ngừng kêu gọi các bên kiềm chế./.
Theo VOV