Sau khi được ký kết thành công, RCEP sẽ là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới, đóng vai trò là động lực phục hồi kinh tế trong thời hậu COVID-19 của thế giới.
RCEP là chìa khóa cho sự phục hồi của Đông Á. Ảnh minh họa: KT/VOV
Không vì căng thẳng mà lùi bước đến mục tiêu chung
Thời gian qua, Mỹ đã bày tỏ thái độ ủng hộ mạnh mẽ đối với ASEAN về vấn đề Biển Đông. Điều này đã khiến mối quan hệ Mỹ - Trung ngày càng xấu đi. Tuy nhiên, nhận thức được tầm quan trọng trong mối quan hệ ASEAN – Trung Quốc, ASEAN gần như bày tỏ thái độ trung lập, không hướng về bất kỳ bên nào, bởi cả Mỹ và Trung Quốc đều là đối tác kinh tế, cũng như đối tác chiến lược quan trọng.
Hiện nay, cả ASEAN và Trung Quốc vẫn đang tìm kiếm những cách thức mới để tiếp tục đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử (COC) trên Biển Đông. Trong nhiệm kỳ Chủ tịch 2019 của Thái Lan, hai bên đã hoàn thành văn bản dự thảo đầu tiên của Bộ quy tắc COC. Tuy nhiên, sự xuất hiện và bùng phát của đại dịch COVID-19 vào tháng 1/2020 đã khiến tiến trình đàm phán trở nên khó khăn hơn. Trong năm nay, hai bên vẫn đang nỗ lực thúc đẩy tiến trình đàm phán, trong đó cam kết sẽ hoàn thành COC vào năm tới, khi Brunei lên giữ chức vụ chủ tịch luân phiên tiếp theo của khối.
Thêm vào đó, bất chấp mối quan hệ giữa các nước đối tác của ASEAN (vốn là đồng minh của Mỹ), tức giữa Trung Quốc với Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc hiện vẫn còn nhiều căng thẳng, song tất cả các nước đều một lòng hướng về mục tiêu chung là hoàn thành hiệp định và kết thúc quá trình đàm phán RCEP vào tháng 11 tới đây. Cụ thể, một số nhà lãnh đạo kỳ cựu của Australia nhấn mạnh, mối quan hệ căng thẳng giữa nước này với Trung Quốc sẽ không làm gián đoạn tiến trình của RCEP. Riêng với Nhật Bản, trải qua thời gian khó khăn khi đưa ra quyết định hoãn Thế vận hội Mùa hè 2020 cho đến tháng 7/2021 và chứng kiến nền kinh tế đang ngày càng trì trệ do tác động của đại dịch, Nhật Bản đang rất nóng lòng ký kết hiệp định này, bất chấp có sự tham gia của Ấn Độ hay không.
Về việc Ấn Độ rút lui khỏi hiệp định, trong thập kỷ qua, ASEAN đã và đang dẫn đầu và luôn đẩy mạnh các cuộc đàm phán với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand về RCEP. Tuy nhiên, vào tháng 11/2019, Ấn Độ tuyên bố rút khỏi hiệp định vào phút chót, khiến quá trình ký kết hiệp định bị trì hoãn.
Tại Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng các nước tham gia đàm phán Hiệp định RCEP giữa kỳ lần thứ 10 diễn ra hồi tháng 6/2020, 15 nước tham gia hiệp định đã đồng lòng thuyết phục Ấn Độ thay đổi suy nghĩ. Đại diện các nước, lãnh đạo các quốc gia gửi đến New Delhi một thông điệp chung rằng, nếu không có Ấn Độ - quốc gia đông dân thứ 2 thế giới, với 1,3 tỷ dân, RCEP sẽ không thể đạt được tầm nhìn và sự bao phủ mà ASEAN đã đưa ra vào năm 2012, tức không liên kết tất cả các nền kinh tế Đông Á lại với nhau thông qua một hiệp định thương mại tự do toàn diện.
Nỗ lực với niềm tin về vai trò thúc đẩy của RCEP
Với sự vắng mặt của Ấn Độ, hiện nay, quan chức của 15 nước RCEP vẫn đang nỗ lực hoàn thành các buổi đàm phán, đấu tranh về pháp lý trước khi ký kết thỏa thuận. Được biết, các nước đều tự tin, hiệp định thương mại tự do này sẽ tăng tốc độ phục hồi kinh tế của toàn khu vực Đông Á. Nhìn chung, sau quá trình đối phó với đại dịch, khu vực được xem là giành được nhiều thành công hơn so với phần còn lại của thế giới. Chính vì vậy, với việc nới lỏng hạn chế ở nhiều quốc gia trong khu vực, sự phục hồi kinh tế của Đông Á đã có được một khởi đầu sớm hơn.
Theo nhận định của giới chuyên gia, mặc dù chậm hơn 3 năm so với kế hoạch ban đầu, song hiệp định RCEP vẫn đến đúng vào thời điểm quan trọng. Trong đó, RCEP thể hiện năng lực của ASEAN trong vai trò lãnh đạo, cùng lúc nhấn mạnh cam kết của nhóm đối với thương mại tự do và hệ thống đa phương tại thời điểm mà các nước trên thế giới đang ngày càng hướng nội và áp dụng những chính sách chống toàn cầu hóa bằng việc nâng thuế quan và triển khai áp dụng nhiều rào cản thương mại khác.
Không dừng lại ở đó, hiệp định RCEP sẽ đóng góp vào Khung phục hồi tổng thể ASEAN. Hiệp định cũng giúp mở rộng thương mại nội khối ASEAN với các cường quốc kinh tế Đông Á thông qua kết nối chuỗi cung ứng trong kỷ nguyên “Bình thường mới” (New Normal).
HẠNH NHI (Lược dịch từ Bangkok Post)