Sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ của châu Á sau đại dịch đang mất đà khi các điều kiện tài chính thắt chặt, nhu cầu xuất khẩu giảm và sự giảm tốc sâu ở Trung Quốc khiến triển vọng kinh tế khu vực bị phủ bóng. Nói rộng hơn, những vết sẹo kinh tế sâu sắc từ đại dịch và tăng trưởng năng suất mờ nhạt trước đó đang đè nặng lên triển vọng tăng trưởng dài hạn của khu vực. Tuy nhiên, bất chấp những thách thức này, các nhà kinh tế vẫn nhìn thấy một con đường đầy hứa hẹn có thể thúc đẩy năng suất của châu Á: đó là số hóa.
Số hóa sẽ là cú hích giúp châu Á tăng năng suất và sản lượng kinh tế
Châu Á là “cường quốc” kỹ thuật số
Trong những năm gần đây, kỹ thuật số đã phát triển mạnh ở châu Á, với một loạt các đổi mới, từ tự động hóa sản xuất, các nền tảng thương mại điện tử, cho đến thanh toán kỹ thuật số. Trước đại dịch, khu vực này chiếm 60% số lượng bằng sáng chế trên toàn thế giới về công nghệ máy tính và kỹ thuật số, tăng từ mức 40% của hai thập kỷ trước đó. Khu vực này dẫn đầu toàn cầu về việc lắp đặt robot công nghiệp, với Trung Quốc là quốc gia sử dụng robot nhiều nhất, chiếm khoảng 30% thị trường.
Rakuten của Nhật Bản, Alibaba của Trung Quốc và GoTo của Indonesia là những “ông lớn” trong lĩnh vực thương mại điện tử, với doanh thu ngang ngửa với Amazon và Walmart. Đáng chú ý, tầng lớp dân số trẻ ngày càng tăng ở Bangladesh, Indonesia và Việt Nam đã nhanh chóng áp dụng các công nghệ mới và trở thành nhóm khách hàng tiềm năng khá lớn cho nền kinh tế kỹ thuật số.
Thực tế, đại dịch COVID-19 đã đẩy nhanh xu hướng số hóa của khu vực. Tỷ lệ đơn đăng ký bằng sáng chế đối với công nghệ làm việc từ xa và thương mại điện tử đã tăng mạnh trong thời kỳ đại dịch. Đồng thời, doanh thu thương mại điện tử của khu vực cũng vượt trội, với châu Á hiện chiếm gần 60% doanh số bán lẻ trực tuyến của thế giới. Doanh thu thương mại điện tử đã tăng 40–50% ở Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ vào năm 2020, vượt xa hầu hết các nước khác trên thế giới.
Sự gia tăng nhanh chóng này được thúc đẩy bởi sự dịch chuyển khỏi phương thức thanh toán bằng tiền mặt và dẫn đến sự bùng nổ của các lựa chọn thanh toán số thay thế, đặc biệt là ví điện tử và thẻ trả trước.
Rào cản từ khoảng cách kỹ thuật số
Tuy nhiên, bất chấp những thành công, các chuyên gia cho rằng khoảng cách kỹ thuật số của khu vực đã kìm hãm sự gia tăng năng suất. Khả năng tiếp cận các công nghệ kỹ thuật số tiên tiến rất không đồng đều giữa các quốc gia, và ngay cả giữa các doanh nghiệp với nhau.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đối mặt với những rào cản đáng kể trong việc tiếp cận và sử dụng công nghệ kỹ thuật số. Theo nghiên cứu mới nhất của IMF, gần 50% số doanh nghiệp vừa và nhỏ, và khoảng 1/3 doanh nghiệp lớn ở các nước châu Á mới nổi và đang phát triển cho biết khó khăn trong việc huy động vốn là một rào cản lớn đối với việc áp dụng công nghệ. Mức độ số hóa thấp và những khó khăn trong việc tiếp cận và áp dụng các công nghệ mới khiến các công ty này phải vật lộn để làm việc từ xa hoặc bán hàng trực tuyến trong bối cảnh đại dịch.
Tốc độ lan tỏa công nghệ chậm chạp giữa các doanh nghiệp tiên phong và các doanh nghiệp đi sau cũng đào sâu hơn khoảng cách về công nghệ. Những hạn chế như sự khan hiếm lực lượng lao động am hiểu kỹ thuật số, khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng kỹ thuật số không đồng đều, những yếu kém trong môi trường pháp lý, bao gồm thiếu luật pháp đầy đủ về bảo vệ dữ liệu và quyền sở hữu trí tuệ… đang cản trở việc chia sẻ thông tin và niềm tin vào việc áp dụng công nghệ.
Nhiều dịch vụ kỹ thuật số đã phát triển mạnh ở châu Á trong những năm gần đây
Những cải cách cần ưu tiên
Trước thực tế này, các chuyên gia cho rằng việc cải thiện hơn nữa kiến thức kỹ thuật số và rút ngắn khoảng cách số giữa các doanh nghiệp, các ngành và người lao động sẽ giúp thu hẹp khoảng cách năng suất.
Theo đó, cần có những cải cách để thúc đẩy đổi mới và số hóa trên diện rộng nhằm thúc đẩy năng suất tổng hợp và tăng trưởng ở châu Á, bao gồm tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của các quốc gia để cải thiện khả năng tiếp cận thông tin và công nghệ. Đồng thời, cần nâng cao hiểu biết về kỹ thuật số và nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động trẻ ở nhiều quốc gia để đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng.
Một vấn đề quan trọng khác là phải giảm bớt những hạn chế về nguồn vốn mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đối mặt để giúp họ áp dụng các công nghệ mới. Khả năng tiếp cận tài chính cao hơn sẽ giúp các nhà đổi mới tích cực giới thiệu các sản phẩm mới của họ.
Bên cạnh đó, các nhà xây dựng chính sách cũng cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng các công nghệ mới bằng cách hợp lý hóa các quy định phù hợp với ngành công nghiệp kỹ thuật số đang phát triển, cải thiện môi trường pháp lý, trong đó có việc bảo vệ dữ liệu và quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại kỹ thuật số.
Theo đánh gia của giới chuyên gia, châu Á đã sẵn sàng để tiếp tục dẫn đầu về đổi mới kỹ thuật số. Theo đó, tạo điều kiện được tiếp cận bình đẳng với công nghệ giữa các doanh nghiệp, các ngành công nghiệp và người lao động sẽ giúp khu vực này hưởng lợi đầy đủ từ sự thúc đẩy kinh tế mà số hóa mang lại.
Tố Quyên (Tổng hợp và lược dịch từ IMF & Bloomberg)
Ảnh minh họa: Shutterstock