Cháy rừng làm xấu thêm chất lượng không khí ở nhiều khu vực. Ảnh: Reuters/Laodong
Báo cáo mới nhất của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) thuộc LHQ chỉ ra rằng mối tương quan giữa ô nhiễm và biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người trong thế kỷ tới, từ đó kêu gọi thế giới hành động để kiềm chế tác hại của tình trạng này.
1/4 dân số thế giới có thể bị ảnh hưởng
Tổng thư ký WMO Petteri Taalas cho biết “khi trái đất nóng lên, tình trạng cháy rừng và ô nhiễm không khí liên quan dự kiến sẽ gia tăng, ngay cả trong kịch bản phát thải thấp… Ngoài tác động đến sức khỏe con người, điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái khi các chất ô nhiễm không khí lắng từ bầu khí quyển đến bề mặt Trái đất”.
Theo dự báo của WMO, tần suất, cường độ và thời gian của các đợt nắng nóng nghiêm trọng sẽ gia tăng hơn nữa, từ đó có thể dẫn đến chất lượng không khí thậm chí còn tồi tệ hơn - một hiện tượng được gọi là “hình phạt của khí hậu”, đề cập đến cách biến đổi khí hậu khuếch đại quá trình sản xuất ozone ở tầng mặt đất.
Loại ozone này khác với ozone ở tầng bình lưu – vốn có tác dụng bảo vệ con người khỏi các tia cực tím gây ung thư. Ozone ở tầng mặt đất là một chất ô nhiễm có hại cho sức khoẻ, làm ô nhiễm không khí mà con người hít thở.
“Bản tin Chất lượng Không khí và Khí hậu” hàng năm của WMO đã xem xét tác động của các vụ cháy rừng lớn trên khắp Siberia và tây Bắc Mỹ trong năm 2021 và phát hiện ra rằng chúng làm gia tăng trên diện rộng các mối nguy hiểm đối với sức khỏe, với nồng độ ô nhiễm ở đông Siberia đạt đến “mức chưa từng được quan sát thấy trước đây”, và làm tăng nồng độ các hạt nhỏ có đường kính dưới 2,5 micromet (PM2.5) vốn được coi là đặc biệt có hại vì chúng có thể xâm nhập sâu vào phổi hoặc hệ thống tim mạch của con người.
Theo WMO, chất lượng không khí và khí hậu có mối liên hệ với nhau vì các chất hóa học làm suy giảm chất lượng không khí thường được thải ra cùng với khí nhà kính. Khi các khu rừng hoặc nhiên liệu hóa thạch bị đốt cháy và giải phóng carbon dioxide, chúng cũng phát ra nitơ oxit, có thể phản ứng với ánh sáng mặt trời để tạo ra các sol khí ozone và nitrat có hại.
Các chất ô nhiễm này cũng tác động đến hệ sinh thái tự nhiên, ảnh hưởng tiêu cực đến nước sạch, đa dạng sinh học, lưu trữ carbon và năng suất cây trồng.
Các khu vực chịu ảnh hưởng lớn nhất về khí hậu chủ yếu ở châu Á và là nơi sinh sống của khoảng 1/4 dân số thế giới.
Nếu nhiệt độ toàn cầu tăng 3 độ C so với mức tiền công nghiệp vào cuối thế kỷ này, phù hợp với lượng khí thải dự kiến ở hiện tại, thì nồng độ ozone bề mặt dự kiến sẽ tăng ở các khu vực bị ô nhiễm nặng, trong đó tăng đến 20% ở Pakistan, miền bắc Ấn Độ và Bangladesh, và tăng 10% ở miền đông Trung Quốc.
Sự gia tăng nồng độ ozone chủ yếu sẽ do lượng khí thải ngày càng tăng từ quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch, nhưng khoảng 20% sẽ đến từ các tác động của biến đổi khí hậu, bao gồm cả số lượng sóng nhiệt ngày càng tăng.
Nhiệt độ ở trung tâm London lên đến 40 độ C. Ảnh: AFP/Laodong
Cuộc khủng hoảng xuyên biên giới toàn cầu
Theo Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP), ước tính có 90% dân số trên thế giới đang hít thở nguồn không khí không đáp ứng các hướng dẫn về chất lượng không khí của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Từ đó, UNEP nhấn mạnh nhu cầu về trách nhiệm giải trình và hành động tập thể, đồng thời nhấn mạnh nhu cầu hợp tác quốc tế và khu vực để ban hành các chính sách nhằm hạn chế ô nhiễm không khí.
Theo báo cáo của WMO, giảm thiểu biến đổi khí hậu thông qua trung hòa carbon trên toàn thế giới sẽ là chìa khóa để giảm các đợt sóng nhiệt và các đám cháy rừng đi kèm.
Trong khi tổng diện tích bị đốt cháy trên toàn thế giới đã giảm trong 20 năm qua - một phần là do các khu vực rừng và đồng cỏ suy giảm, con số này lại tăng lên ở các khu vực Bắc Mỹ, Amazon và Australia khi hành tinh nóng lên.
Cần sự hỗ trợ của chính phủ
Thống kê cho thấy trong giai đoạn 2015-2021, chỉ có chưa tới 1% ngân sách viện trợ của các chính phủ trên toàn cầu được phân bổ dành cho các dự án giải quyết ô nhiễm không khí ngoài trời trên khắp thế giới. Trong khi đó, số tiền được bơm vào các dự án kéo dài thời gian sử dụng nhiên liệu hóa thạch lại cao hơn gấp 4 lần.
Các quốc gia châu Phi chỉ nhận được 0,3% hỗ trợ phát triển cho việc giải quyết ô nhiễm không khí từ năm 2015 đến năm 2021, mặc dù chất lượng không khí xấu là “kẻ giết người” lớn thứ hai của lục địa này sau HIV/AIDS.
Khi chính phủ các nước chuẩn bị tham dự Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP27 sẽ diện ra tại Ai Cập vào tháng 11 tới, các nhà vận động đang kêu gọi các cam kết chính sách và tài trợ lớn hơn cho các giải pháp năng lượng carbon thấp thay thế, nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu, trong đó Giám đốc Điều hành Quỹ Không khí sạch Jane Burston nhấn mạnh các nước cần phải cắt giảm hỗ trợ cho các dự án nhiên liệu hóa thạch.
TỐ QUYÊN (Lược dịch từ CNA & DW)