Người di cư đổ về Mexico trong hành trình tới Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong báo cáo toàn cầu mới nhất vừa được công bố, IOM lưu ý rằng mặc dù có tăng 0,1% so với mức được đưa ra trong báo cáo 2 năm trước, nhưng con số này vẫn chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng dân số thế giới (3,5%), nghĩa là phần lớn người dân trên toàn cầu (96,5%) được ước tính cư trú tại quốc gia nơi họ sinh ra, báo cáo Di cư toàn cầu năm 2020 của IOM chỉ rõ.
Cụ thể, theo IOM, hơn một nửa số người di cư quốc tế (141 triệu) sống ở châu Âu và Bắc Mỹ. Ước tính 52% tổng số người di cư là nam giới và gần 2/3 số người di cư đang tìm việc làm, tương đương với khoảng 164 triệu người.
Hầu hết người di cư đến từ Ấn Độ, Mexico và Trung Quốc
Ấn Độ tiếp tục là quốc gia có lượng người di cư quốc tế cao nhất, với 17,5 triệu người sống ở nước ngoài, tiếp theo là Mexico (11,8 triệu) và Trung Quốc (10,7 triệu).
Những phát hiện khác chỉ ra rằng số lượng lao động nhập cư giảm nhẹ ở các nước thu nhập cao - từ 112,3 triệu xuống còn 111,2 triệu - nhưng tăng ở những nơi khác, trong đó các nước thu nhập trung bình cao có mức tăng lớn nhất, từ 17,5 triệu lên 30,5 triệu.
Kiều hối đạt 689 tỷ USD
Theo IOM, lượng kiều hối quốc tế đã tăng lên 689 tỷ USD trong năm 2018, tăng 9% so với năm 2017 và tăng gấp đôi so với năm 2006, trong đó, những quốc gia hưởng lợi hàng đầu là Ấn Độ (78,6 tỷ USD), Trung Quốc (67,4 tỷ USD), Mexico (35,7 tỷ USD) và Philippines (34 tỷ USD).
Mỹ vẫn là “nhà phát hành” cho lượng tiền chuyển hàng đầu, ở mức 68 tỷ USD, tiếp theo là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (44,4 tỷ USD) và Ả Rập Saudi (36,1 tỷ USD).
Dịch chuyển cao kỷ lục do xung đột
Báo cáo cho thấy, các cuộc xung đột và bạo lực đang diễn ra ở Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), Myanmar, Nam Sudan, Syria và Yemen đã dẫn đến sự dịch chuyển nội bộ lớn trong 2 năm qua. Trung tâm giám sát dịch chuyển nội bộ của IOM tiết lộ rằng có đến 41,3 triệu người đã buộc phải rời bỏ nhà cửa vào cuối năm 2018 - một kỷ lục kể từ khi việc giám sát bắt đầu vào năm 1998.
Syria có dân số di tản trong nước cao nhất, ở mức 6,1 triệu người, tiếp theo là Colombia (5,8 triệu) và Congo (3,1 triệu). Sau gần 9 năm xung đột, Syria cũng là quốc gia quê hương của số người tị nạn hàng đầu, với hơn 6 triệu người, trong khi Afghanistan có khoảng 2,5 triệu người tị nạn.
Cuối cùng, đề cập đến tác động của thảm họa khí hậu và thời tiết, báo cáo tiết lộ rằng cơn bão Mangkhut ở Philippines đã góp phần vào việc có thêm 3,8 triệu người mới phải di dời vào cuối năm 2018, con số lớn nhất trên toàn cầu.
TỐ QUYÊN (Lược dịch từ IOM)