Virus corona gây ra tác động kinh tế cho nhiều quốc gia trên thế giới. Ảnh minh hoạ: AP/VOV
Tại khu vực châu Á, chỉ số chứng khoán Nikkei của Nhật Bản mở cửa giảm 1,8%, trong khi chỉ số MSCI khu vực châu Á trượt dốc trong giao dịch. Thị trường tài chính ở Trung Quốc, Hồng Kông và Australia đóng cửa trong ngày 27/1.
Trước đó vào ngày 26/1, chính quyền Trung Quốc cho biết, khả năng lây lan của virus corona ngày càng mạnh hơn và số ca nhiễm bệnh có thể tiếp tục gia tăng.
Ông Ma Xiaowei, người đứng đầu Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho hay, tính đến nay, hơn 2.700 người đã bị nhiễm bệnh và 80 người ở Trung Quốc đã tử vong vì dịch bệnh mới, bùng phát từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc.
Trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus, Trung Quốc quyết định kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên đán từ ngày 24-30/1 thêm 3 ngày nữa, để hạn chế mọi người di chuyển cùng một lúc, trong bối cảnh hàng chục triệu người về thăm quê hoặc các điểm du lịch sẽ quay trở về nhà trong tuần này.
Bên cạnh đó, việc mở cửa trở lại trường học cũng được hoãn lại sau kỳ nghỉ lễ, cho đến khi có thông báo mới. Cơ quan Du lịch Quốc gia Trung Quốc cũng hoãn các nhóm du lịch đi du lịch ra nước ngoài và trong nước.
Đáng chú ý, đợt bùng phát của virus corona xảy ra trùng với mùa du lịch bận rộn nhất của Trung Quốc, với hơn 7 triệu người ước tính đã lên kế hoạch đi du lịch ra nước ngoài.
Cho đến nay, các trường hợp nhiễm bệnh đã được phát hiện ở Thái Lan, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Việt Nam, Singapore, Malaysia, Nepal, Pháp, Canada, và Australia, theo nguồn tin từ Hãng thông tấn AP.
Hoa Kỳ đã xác nhận các trường hợp nhiễm virus tại tiểu bang Washington, Chicago, phía nam California và Arizona. Cuối tuần qua, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố, họ đang sơ tán các nhân viên khỏi lãnh sự quán Vũ Hán. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng đã có kế hoạch tương tự.
Theo một ước tính của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), dịch SARS (hay Hội chứng hô hấp cấp tính nặng) bùng phát hồi năm 2003 đã gây thiệt hại 18 tỷ USD, làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế ở khu vực Đông và Đông Nam Á xuống 0,6 điểm phần trăm.
Mặc dù chưa có ước tính sẵn có nào về tác động kinh tế của virus corona mới nhất, sự phát triển về kinh tế của Trung Quốc kể từ năm 2002, để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có khả năng sẽ đáng kể.
Cho đến nay, tác động rõ rệt nhất của virus corona là đối với hoạt động kinh doanh liên quan đến du lịch.
Ở Nhật Bản, nơi du khách Trung Quốc chiếm khoảng 30% trong số 32 triệu du khách của quốc gia này hồi năm ngoái, với mức chi tiêu khoảng 1,77 nghìn tỷ yen (tương đương 16 tỷ USD) .
Một khách sạn nằm ở thị trấn Toyako, Hokkaido, Nhật Bản cho hay, hầu hết tổng số 200 phòng của khách sạn đã được đặt vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, bắt đầu vào cuối tuần qua. Tuy nhiên, khách sạn này đã bị tác động bởi một loạt các quyết định hủy phòng của khách Trung Quốc trong vài ngày qua, và hiện có tới 50 phòng trống vào một số ngày. Một đại diện của khách sạn nhận định, với việc Bắc Kinh cấm các tour du lịch theo nhóm, việc hủy bỏ có thể sẽ tiếp tục tăng lên.
Trong một động thái liên quan, một khách sạn gần núi Phú Sĩ ở tỉnh Yamanashi, Nhật Bản cho biết, gần 100 khách sẽ không đến vì 5 tour du lịch theo nhóm từ Trung Quốc đã bị huỷ bỏ.
Một hãng điều hành xe buýt du lịch có trụ sở tại thủ đô Tokyo nói thêm, hầu hết các tour du lịch dành cho du khách Trung Quốc đến khu nghỉ dưỡng Tokyo Disney và núi Phú Sĩ đã bị hủy bỏ. Hãng hàng không All Nippon Airways của Nhật Bản cũng đang tạm dừng tất cả các chuyến bay giữa Vũ Hán và Sân bay Narita gần thủ đô Tokyo cho đến ngày 1/2.
Kinh tế Trung Quốc giảm tốc sẽ làm tổn hại đến thu nhập của các công ty Nhật Bản và mối quan tâm của các nhà đầu tư sẽ dẫn đến áp lực giảm giá cổ phiếu.
"Rủi ro sẽ tăng lên đối với các cổ phiếu như các nhà bán lẻ, vốn được hỗ trợ bởi nhu cầu du lịch trong nước", ông Yoshinori Shigemi tại hãng JPMorgan Asset Management nhấn mạnh.
Thanh Ngân (Lược dịch từ Nikkei)