Ngoài những mối đe dọa có thể xảy ra với bất kỳ lễ nhậm chức nào, hơn 30 cơ quan mật vụ chịu trách nhiệm vấn đề an ninh trong buổi lễ ngày 20/1 đang ráo riết chuẩn bị cho khả năng xảy ra một đợt biểu tình khắp thủ đô Washington. Họ lo ngại về những cuộc đụng độ có thể xảy ra giữa những nhóm người Mỹ vẫn còn chia rẽ sâu sắc vì cuộc bầu cử và về giây phút hàng triệu người trên thế giới hướng sự chú ý về phía Washington.
Thử thách chưa từng có
Ông Michael Chertoff, cựu Bộ trưởng An ninh Nội địa dưới thời Tổng thống George W. Bush, nhận định: "Tôi chưa thấy lễ nhậm chức nào đặt ra nhiều thử thách an ninh như lần này".
Dĩ nhiên, đã có những quan ngại sâu sắc trong lễ nhậm chức lần 2 của ông Bush vào năm 2005 khi diễn ra sau cuộc tấn công 11-9-2001. Và vào năm 2009, buổi lễ của Tổng thống Barack Obama là lần chuyển giao quyền lực đầu tiên trong giai đoạn hậu 11-9 và cũng là lần đầu tiên một người Mỹ gốc Phi tiếp nhận vị trí này. Khi đó, ông Obama cũng đối mặt với một loạt những lời đe dọa phân biệt chủng tộc cũng như âm mưu khủng bố.
|
Có hơn 30 cơ quan mật vụ chịu trách nhiệm vấn đề an ninh trong lễ nhậm chức của ông Trump. Ảnh: WTOP
|
Mặc dù vậy, Tổng thống Obama vẫn không phải đối phó với những cuộc biểu tình rầm rộ được cho là đang chờ đón ông Trump tại Washington. Đám đông gần 2 triệu người vào năm 2009 chỉ có một số người biểu tình và không xảy ra vụ bắt giữ nào, theo thông tin của ông Christopher T. Geldart, giám đốc an ninh nội địa tại quận Columbia.
Trong năm nay, cơ quan Công viên Quốc gia, đơn vị kiểm soát phần lớn đất công tại Washington - từ vỉa hè cho đến công viên National Mall, đã nhận được 23 đơn xin tổ chức sự kiện của cả nhóm chống lẫn ủng hộ ông Trump. Những năm trước đây, họ chỉ nhận được một số ít.
Ông Mike Litterst, phát ngôn viên của cơ quan Công viên Quốc gia, cho biết họ đang "tích cực xem xét" các yêu cầu với mục tiêu cố gắng sắp xếp để tổ chức nhiều sự kiện nhất có thể. Các nhóm được cấp phép sẽ được tách riêng để tránh bị lẫn lộn. Trong số đó, sự kiện lớn nhất là cuộc diễu hành của phụ nữ tại Washington với khoảng 200.000 người tham gia để phản đối ông Trump vào ngày 21/1, một ngày sau lễ nhậm chức.
|
Tổng thống Barack Obama và cựu Tổng thống George W. Bush trong lễ nhậm chức năm 2009. Ảnh: NY Times
|
Phương pháp bảo vệ 360 độ
Tổng cộng, có hơn 30 cơ quan trên toàn bộ thủ đô sẽ phải hành động để ngăn chặn các cá nhân hay băng nhóm gây rối trong buổi lễ. Công tác chuẩn bị của họ, bắt đầu từ nhiều tháng trước, đã tăng tốc kể từ ngày bầu cử và sẽ sớm tiến hành lắp đặt một vành đai an ninh vòng quanh tòa Quốc hội, khu National Mall và phần lớn thành phố.
Bảo vệ tân tổng thống cùng hàng nghìn quan chức và người dân là ưu tiên hàng đầu của các cơ quan chức năng. Nhưng lần này, lực lượng an ninh còn buộc phải chuẩn bị để đối mặt với đám đông dân chúng chia rẽ một cách bất thường vì kết quả bầu cử. Ưu tiên trong năm nay là tránh để bạo lực nổ ra giữa những người ủng hộ và phản đối ông Trump trong khi vẫn cho phép cả 2 phe tham dự sự kiện.
Các kế hoạch an ninh không chỉ bao gồm ngày nhậm chức mà còn cả một tuần sự kiện ăn mừng chiến thắng của ông Trump, bắt đầu với buổi hòa nhạc tại National Mall vào ngày 19-1. Dự kiến, chi phí an ninh cho lễ nhậm chức sẽ tiêu tốn hơn 100 triệu USD.
Trong khi đó, việc đảm bảo an ninh cho cá nhân ông Trump lại trở nên đơn giản hơn phần nào khi tổng thống đắc cử quyết định ở lại Blair House, nhà khách của tổng thống Mỹ, thay vì khách sạn ở Washington.
|
Các công nhân xây dựng những bục đứng tại tòa quốc hội. Ảnh: REUTERS
|
Trả lời phỏng vấn tờ Washington's Top News, ông Brian Ebert, đặc vụ phụ trách văn phòng Sở Mật vụ Washington, tiết lộ cơ quan này sử dụng "phương pháp bảo vệ" 360 độ. "Chúng tôi sẽ dùng một vành đai bảo mật mạnh mẽ để chống lại các mối đe dọa. Đây là một khu vực đệm đa tầng bao quanh các địa điểm được bảo vệ và những tuyến đường diễu hành" - trích lời ông Ebert.
Lo ngại "sói đơn độc"
Theo kế hoạch, FBI chịu trách nhiệm xử lý tin tức, chống khủng bố, giải cứu con tin, điều tra các sự cố khủng bố hoặc những hoạt động phạm tội khác. Trong khi đó, rất nhiều cơ quan thực thi pháp luật khác đang ráo riết kiểm soát thủ đô trong sự kiện được cho là ẩn chứa nhiều mối đe dọa nhất trong lịch sử.
Hơn 3.200 cảnh sát và khoảng 8.000 cảnh vệ quốc gia sẽ làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự đám đông và kiểm soát giao thông ở Washington vào ngày 20/1. Ngoài ra, khoảng 5.000 quân nhân đang làm nhiệm vụ cũng được triển khai để đảm bảo an ninh. Lực lượng này sẽ cho phép các cơ quan địa phương có chiến thuật quản lý đám đông tốt hơn để giám sát những người biểu tình và các nhóm ủng hộ ông Trump.
"Về mặt tích cực, những lợi ích mà Sở Mật vụ có được là vị trí địa lý không thay đổi và các kế hoạch bảo vệ an ninh cho lễ nhậm chức đã có sẵn" - ông Fred Burton, một đặc vụ an ninh đã nghỉ hưu, nói. Tuy nhiên, ông Burton chia sẻ điều mà các cơ quan chức năng lo ngại nhất hiện nay là những "yếu tố điên rồ". Đó là những cá nhân lẩn khuất bên ngoài mà các cơ quan an ninh chưa điều tra hay xác định danh tính.
Ngoài ra, thủ đô Washington còn là một mục tiêu quan trọng của những tổ chức khủng bố. "Tôi sẽ lo ngại về những kẻ mang tư tưởng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) hoặc những tên "sói đơn độc" như trong vụ xả súng ở TP Orlando" - ông Burton nói thêm.
Theo Người lao động