ClockThứ Hai, 03/06/2019 09:10

100 năm hành động vì lao động an toàn, khỏe mạnh và xa hơn nữa

TTH - Tử vong và tai nạn lao động không chỉ gây nên tổn thất lớn cho nền kinh tế, mà còn tác động trực tiếp, gây ra nhiều mất mát cho con người, cụ thể là nạn nhân và rất nhiều người khác. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi An toàn và Sức khỏe nghề nghiệp (OSH) được xem là ưu tiên của Tổ chức Lao động quốc tế ngay từ khi thành lập vào năm 1919, đánh dấu 100 năm hoạt động vì công bằng xã hội.

Khi an toàn lao động được coi trọngKhông chủ quan với an toàn trong lao độngTập huấn xây dựng hệ thống quản lý an toàn vệ sinh lao động

An toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp là ưu tiên của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Ảnh: ILO

Thay đổi để phù hợp với từng thời kỳ

Vào năm 1919, khi hiến pháp ILO đang trong quá trình đàm phán và soạn thảo, OSH là vấn đề quan trọng, được đặc biệt ưu tiên đưa vào phần mở đầu. Trong đó, luật ILO viết: “Cải thiện điều kiện việc làm của người lao động là yêu cầu cần triển khai khẩn cấp. Đơn cử như việc bảo vệ người lao động khỏi bệnh tật, tệ nạn và thương tích xảy ra trong quá trình làm việc”.

Sau khi hiến pháp được thông qua, chuỗi hành động cụ thể đã được triển khai nhanh chóng. Tại phiên họp đầu tiên của Hội nghị lao động quốc tế (ILC), 3 trên 6 khuyến nghị liên quan đến OSH đã được thông qua bao gồm khuyến nghị chống lại bệnh than (bệnh Anthrax); khuyến nghị về ngộ độc chì (đối với phụ nữ và trẻ em) và khuyến nghị về Phốt pho trắng.

Ban đầu, luật ILO được đưa ra với xu hướng chính nhằm điều chỉnh và giải quyết các vấn đề đơn lẻ (như tiếp xúc với vật liệu độc hại, máy móc nguy hiểm), hoặc liên quan đến điều kiện lao động trong công nghiệp (bao gồm khai thác, công nghiệp hàng hải, xây dựng và sản xuất). Trọng tâm chính của hầu hết tất cả các quy tắc là khẳng định vai trò của chính phủ, cũng như vai trò của các quy định để bảo vệ người lao động.

Đến năm 1930, một tiến bộ khác trong quá trình hoạt động vì lợi ích xã hội đã được nhìn nhận thông qua việc tạo ra Bách khoa toàn thư ILO. Không chỉ riêng ILO, từ thời điểm này, nhiều tổ chức toàn cầu cũng bày tỏ sự quan tâm đến các vấn đề sức khỏe đã chung tay hành động, bao gồm Liên Hiệp quốc (UN) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Bắt đầu từ năm 1950 trở đi đến những năm 1980, thái độ đối với OSH chứng kiến nhiều thay đổi và dần chuyển sang phát triển “văn hóa an toàn”, trong đó tập trung vào đánh giá rủi ro, phòng ngừa và giảm thiểu nguy cơ xảy ra các vấn đề trong lao động. Ngay cả những vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần và thể chất của người lao động cũng được chú trọng.

Vào năm 2003, việc áp dụng chiến lược toàn cầu của ILO về an toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp là minh chứng rõ nhất cho sự thay đổi, tức tập trung phòng tránh nhiều hơn giải quyết hậu quả. Cũng từ mốc thời gian này, lần đầu tiên thế giới tổ chức kỷ niệm Ngày thế giới vì an toàn và sức khỏe nơi làm việc và duy trì cho đến nay.

Đảm bảo an toàn lao động - mục tiêu bền vững mãi về sau

Tính đến thời điểm hiện tại, có hơn 40 văn kiện và công cụ quốc tế liên quan đến OSH. Sức mạnh đặc biệt của các văn kiện này đến từ cấu trúc 3 bên độc đáo của ILO, có nghĩa là cả chính phủ, chủ lao động và bản thân người lao động đều đóng vai trò ngang nhau để nâng cao quyền lợi và đảm bảo điều kiện lao động phù hợp. Điều này được nhận xét sẽ đảm bảo rằng các quốc gia thành viên của ILO sẽ giải quyết tốt các vấn đề chính sách xã hội quan trọng liên quan đến OSH, như bảo hiểm khi ốm đau hoặc lương hưu.

Phát biểu về tầm quan trọng của vấn đề này, Tổ chức Sức khỏe tâm thần châu Âu nhấn mạnh, trong một thế giới mà chi phí liên quan đến các thách thức về sức khỏe tâm thần nghề nghiệp đang ngày càng tăng lên, các cuộc thảo luận xung quanh tương lai việc làm sẽ là điều cần thiết để giải quyết những tác động tiêu cực tiềm ẩn.

Bên cạnh những nỗ lực được điều chỉnh theo thời kỳ, hằng năm vẫn có khoảng 2,8 triệu công nhân tử vong vì tai nạn lao động và các bệnh nghề nghiệp khác. Cùng với đó là 370 triệu người khác bị thương trong quá trình làm việc. Do đó, bước vào thế kỷ thứ 2 kể từ ngày đầu tiên bắt đầu hoạt động, OSH vẫn giữ nguyên vai trò và tầm quan trọng đối với ILO.

Trong thời đại này, công nghệ, nhân khẩu học, phát triển bền vững và những thay đổi tại nơi làm việc, áp lực công việc... là những thách thức mới nổi. Để đạt được hiệu quả công bằng xã hội, đảm bảo quyền và lợi ích cho lao động, bước sang giai đoạn mới, ILO khẳng định cần mở rộng hành động. Song một yếu tố chính phải được đảm bảo, rằng mọi công việc liên quan đến OSH sẽ tiếp tục được xây dựng, bao gồm tất cả các chính sách lấy con người làm trung tâm để phát triển được ghi rõ trong hiến pháp của ILO.

HẠNH NHI

(Lược dịch từ ILO & MHE News)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top