|
Mẫu hóa thạch 3,7 tỉ năm được các nhà khoa học Úc tìm thấy ở Greenland - Ảnh: Twitter |
Theo Sky News, các nhà khảo cổ học Úc tìm thấy một mẫu đá ở Greenland trong đó chứa nhiều cấu trúc nhỏ hình nón và phát hiện đó là hóa thạch của các sinh vật sống cổ xưa nhất Trái đất.
Những hình thù nhỏ được tạo nên bởi vi khuẩn thời tiền sử và được bảo quản trong mẫu hóa thạch suốt 3,7 tỉ năm qua.
Như vậy chúng “cổ” hơn 220 triệu năm so với bằng chứng sự sống đầu tiên được tìm thấy ở Pilbara Craton (Úc) trước đây.
Mẫu đá đó được giới khảo cổ gọi là stromatolite, hình thành từ những tập đoàn vi sinh vật sống trong đại dương cổ xưa.
Trong bài báo xuất bản trên tạp chí Nature, các nhà nghiên cứu từ Đại học Wollongon (Úc) nhận xét: “Việc phát hiện mẫu hóa thạch stromatolite 3,7 tỉ năm tuổi trong vành đai Isua cho thấy gần thời điểm bắt đầu khi trầm tích được hình thành, CO2 trong khí quyển bị cô lập bởi hoạt động sinh học. Điều này có nghĩa cách đây 3,7 tỉ năm, sự sống đã phát triển được một giai đoạn đáng kể”.
Theo Tuoitre