ClockChủ Nhật, 26/05/2024 07:08

Chung tay nối dài sự sống

TTH - Trong các cuộc hội thảo, hội nghị đều chỉ rõ còn nhiều rào cản, yếu tố liên quan đến truyền thống, tôn giáo khiến người dân chưa đồng thuận hiến mô, tạng. GS.TS.BS. Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế, Phó Chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam cho hay, trong ghép tạng, nguồn hiến vẫn còn khó khăn, nhất là từ người hiến chết não.

Lan tỏa nghĩa cử đẹp, đẩy mạnh vận động hiến mô tạngTạo “văn hóa hiến tặng mô tạng” từ trong bệnh viện

 Đăng ký hiến tặng mô tạng - nghĩa cử cao đẹp cần nhân rộng

“Khi nằm xuống, sá chi thân này”

Tại lễ phát động tháng Nhân đạo mới đây, anh Nguyễn Quang Lược, cán bộ y tế ở TX. Hương Thủy hăng hái đăng ký vào phiếu hiến mô, tạng (HMT). Anh bày tỏ: “Mình tiếp cận thông tin về HMT trên báo đài thường xuyên và nhận thấy đây là một việc nên làm. Sau khi chết lại thành cát bụi, nếu có cơ hội cứu sống người thì sá chi thân này. Mình vẫn thường xuyên hiến máu, hiến tiểu cầu giúp người bệnh. Công tác trong ngành y, bản thân lại càng nhận thức rõ ý nghĩa của HMT và cũng muốn lan tỏa trong cộng đồng”. Tương tự, chị Lê Thị Hương, một nữ quân nhân trên địa bàn cũng ngồi vào bàn thực hiện các bước đăng ký HMT với sự hỗ trợ của lực lượng tình nguyện viên.

Chị Huỳnh Ngọc Trang, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TX. Hương Thủy là người đăng ký hiến tạng từ lâu. Chị còn vận động các thành viên trong gia đình và tuyên truyền HMT trong hội viên. Chị Trang cho rằng: “Nhiều người vẫn còn quan niệm chết toàn thây nên e ngại trong HMT. Mình mong gia đình đồng thuận thực hiện ý nguyện bản thân như trong phiếu đã ghi”.

Mới đây, người viết cũng kết nối một số trường hợp bạn đọc hỏi thủ tục đăng ký HMT tại BVTW Huế khi đọc các bài về hiến, ghép tạng trên Báo Thừa Thiên Huế. Họ đã hẹn cùng nhau đến BV điền vào phiếu đăng ký HMT nếu không may rủi ro rơi vào tình trạng chết não thì vẫn còn có thể để lại sự sống quý giá nào đó cho đời. Bạn đọc N.Q.V. nói: “Đọc trường hợp hai gia đình hiến tạng cứu nhiều người ở Nghệ An, mình thực sự xúc động trước nghĩa cử của họ. Trước đó, ca vận chuyển tim qua đường hàng không để cứu một thanh niên suy tim ở Huế khiến mình và bạn bè hồi hộp dõi theo. Nếu nằm xuống mà còn giúp người khác ‘hồi sinh’ thật đáng quý”.

 Bệnh nhi ở Bệnh viện Trung ương Huế được ghép gan nhờ tạng hiến ở Quảng Ninh

Trong khi đó, một người khác đến từ phường Kim Long chia sẻ: “Với kỹ thuật y học tiến bộ và với sự đóng góp của những người HMT, sự sống của rất nhiều người được kéo dài hơn. Tôi đã rất cảm động khi được đọc và xem những câu chuyện về những người may mắn sống tiếp thêm một cuộc đời nữa vì được nhận trái tim của người đã qua đời hiến tặng. Tôi nghĩ nếu mình may mắn sống đến già rồi qua đời là chuyện bình thường. Nhưng nếu không may gặp tai nạn và không qua khỏi, tôi không cần cơ thể này nữa. Nếu có ai được sống thêm nhờ mô tạng từ mình, tôi thấy hạnh phúc lắm. Và biết đâu, tôi lại “sống” thêm chút nữa nhờ được ở lại trong cơ thể của người nhận”.

Tại BVTW Huế, năm 2015, sau khi đơn vị Điều phối ghép tạng được thành lập, BV bắt đầu tiếp nhận đơn đăng ký HMT. Đến nay, đơn vị tiếp nhận hơn 670 người đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết/chết não. Trong đó, cao điểm 2019 nhận được gần 300 đơn đăng ký. Năm 2023, Trung tâm Điều phối ghép tạng nhận được 136 đơn đăng ký. Tính đến đầu tháng 5/2024 có thêm 35 đơn đăng ký. Số lượng đăng ký năm 2019 gia tăng ấn tượng là nhờ sự phối hợp với Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia (ĐPGTQG) tổ chức phát động phong trào đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết/chết não.

Phải thay đổi từ nhận thức đến hành động

Dưới góc độ tôn giáo tín ngưỡng, những người có uy tín trong giáo hội đều cho rằng, HMT sau khi qua đời là việc làm ý nghĩa, hào hiệp, thể hiện tinh thần tương thân tương ái giữa con người với con người. Theo đánh giá của Trung tâm ĐPGTQG, nhận thức chung của người dân về hiến ghép mô, tạng tăng lên rõ rệt là sự thành công của ngành y tế, trong đó có lĩnh vực ghép tạng. Tuy nhiên, số lượng người đăng ký HMT vẫn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Hiện, tạng hiến từ người chết não ở Việt Nam mới chỉ chiếm 6%, trong khi tạng hiến từ người sống chiếm 94%. Ở các nước châu Âu, Mỹ, Bắc Mỹ, Úc, nguồn hiến tạng từ người chết não chiếm 60-90%.

Có nhiều khó khăn khiến HMT còn hạn chế, điều này không chỉ giới hạn riêng khu vực miền Trung - Tây Nguyên mà còn trong cả nước. Nguyên nhân là do người dân hiểu chưa đúng hoặc công tác truyền thông chưa được tốt. Theo TTND.PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam thì cộng đồng là nơi có nguồn hiến phong phú, tiềm năng. Các giải pháp để tăng nguồn hiến trong cộng đồng phải thay đổi từ nhận thức, hành vi, đăng ký hiến và hiến. Ngoài công tác truyền thông, việc tổ chức các sự kiện về hiến tạng cần sự vào cuộc của các tổ chức, đoàn thể, cơ quan, các tổ chức tôn giáo, cơ quan truyền thông báo chí…

“Việc thuận lợi nhất có thể làm là lồng ghép hoạt động hiến máu tình nguyện nhằm lan tỏa phong trào HMT, đồng thời phối hợp với Trung tâm ĐPGTQG tổ chức các lớp đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ tư vấn viên. Qua gợi mở từ các BV, chúng tôi đang xem xét triển khai app nhằm tạo điều kiện trong đăng ký HMT online. Nhiều quốc gia trên thế giới đã có ngày hiến tạng vinh danh tưởng niệm người HMT (Ngày Hiến tạng Ấn Độ: 3/8; Hàn Quốc lấy ngày 9/9; Trung quốc chọn ngày 11/6… Hội đang đề xuất lấy ngày 18/5 là ngày Hiến tạng Việt Nam”, bà Kim Tiến thông tin.

Tại hội nghị phát triển mạng lưới tư vấn HMT khu vực miền Trung mới đây, nhiều đại biểu cho rằng, cần nhân rộng việc tri ân, quan tâm đến gia đình người hiến tạng. Từ đó, nhân rộng nghĩa cử nhân ái này trong toàn xã hội. Trong thư khen gửi ngành y tế tháng 4/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi lời chia buồn sâu sắc và tri ân tấm lòng gia đình người hiến tạng đã nêu cao tinh thần “cho đi là còn mãi”, vượt qua nỗi đau, mất mát để gieo mầm sự sống, hạnh phúc cho 7 gia đình bệnh nhân. Điều này góp phần lan tỏa thông điệp “chung tay nối dài sự sống” từ người đứng đầu Chính phủ đến với người dân cả nước.

Nhằm tạo ra sự chuyển biến trong HMT, PGS.TS. Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm ĐPGTQG nhấn mạnh: “Ngành y tế cần sự ủng hộ các cấp bộ, ngành, chính quyền, hội, đoàn thể. Chẳng hạn Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa nội dung này vào trường học để học sinh, sinh viên được tiếp cận và hiểu biết về HMT; Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường thông tin trên các kênh; Hội Chữ Thập đỏ, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên, tổ chức tôn giáo chung tay lan tỏa và hưởng ứng hoạt động nhân văn này”…

“Chắc chắn chúng ta sẽ làm được. Miền Trung - Tây Nguyên là nơi có hoạt động tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách trong thiên tai thì HMT cũng mang ý nghĩa cao cả, mang lại sự sống cho người bệnh”, PGS. Hệ khẳng định.

Linh Giang
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Chung tay gìn giữ môi trường”

Được triển khai vào cuối tháng 9 vừa qua, mô hình “Chung tay gìn giữ môi trường” giai đoạn 2024 – 2025 do Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế (HEPCO) phối hợp cùng Ban Dân vận Thành ủy Huế thực hiện đang cho thấy những tín hiệu tích cực trong hoạt động bảo vệ môi trường tại các khu dân cư.

“Chung tay gìn giữ môi trường”
Chung tay vì người nghèo.

Chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách được triển khai thực hiện trong thời gian qua trên địa bàn TX. Hương Trà đã góp phần tích cực thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Chung tay vì người nghèo
Tạo sự đồng thuận, chung tay vì người nghèo

Phát huy lợi thế kinh tế vườn và phát triển chăn nuôi, thời gian qua chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể phường Thủy Biều (TP. Huế) đã huy động nguồn lực hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo cây, con giống cũng như bổ sung các tiêu chí thiếu hụt nhằm tạo sự đồng thuận, chung tay thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững (GNBV) trên địa bàn thành phố.

Tạo sự đồng thuận, chung tay vì người nghèo
Ghép tim xuyên Việt, hồi sinh thêm một cuộc đời

Trái tim hiến từ Bệnh viện (BV) Bạch Mai đã đập những nhịp đầu tiên trong cơ thể một bệnh nhân đánh dấu thành công cho hành trình chuyển giao sự sống. Đây là ca ghép kỷ lục với thời gian cấy ghép tim chỉ hơn 50 phút tại Bệnh viện Trung ương Huế.

Ghép tim xuyên Việt, hồi sinh thêm một cuộc đời

TIN MỚI

Return to top