|
Thủ tướng Hungary Viktor Orban bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 2-10 - Ảnh: Reuters
|
Theo Reuters, tính đến thời điểm 6g sáng 3/10 Văn phòng Ủy ban bầu cử quốc gia Hungary đã kiểm được 99,97% số phiếu.
Cụ thể, 3.249.000 cử tri đi bầu đã phản đối sự áp đặt của EU, tương đương khoảng 98,3% số phiếu. Kết quả này còn cao hơn số người đã ủng hộ Hungary gia nhập EU trong cuộc trưng cầu dân ý hồi năm 2003.
Bất chấp số người phản đối gần như tuyệt đối, kết quả trưng cầu ngày 2/10 sẽ không được công nhận bởi chỉ có hơn 40% số cử tri đủ điều kiện của Hungary đi bỏ phiếu.
Cần ít nhất 50% trong tổng số cử tri hợp pháp, tức khoảng 4,1 triệu trong tổng số 8,2 triệu cử tri trên toàn Hungary đi bỏ phiếu thì kết quả mới được công nhận.
Điều này nhiều khả năng sẽ khiến Thủ tướng Hungary Viktor Orban thất vọng bởi ông này hi vọng một chiến thắng hợp lệ khi người dân phản đối kế hoạch phân bổ và sẽ dùng kết quả đó để gây áp lực lên EU.
Trong thời gian qua, chính quyền của Thủ tướng Orban đã thể hiện sự cứng rắn trong chính sách nhập cư và phản bác sự áp đặt của EU. Các hàng rào kẽm gai và hàng nghìn cảnh sát đã được triển khai dọc theo biên giới phía nam Hungary để ngăn chặn dòng người tị nạn bước vào nước này.
Ông Orban lập luận rằng quyết định có chấp nhận tiếp nhận người tị nạn hay không là vấn đề thuộc chủ quyền quốc gia. “Nếu EU là một cộng đồng dân chủ, họ cần phải tôn trọng ý kiến của người Hungary”
Thủ tướng Orban nhấn mạnh một quốc gia với nhiều người theo đạo Kitô như Hungary sẽ không thể chấp nhận những cộng đồng tị nạn người Hồi giáo và sẽ làm dấy lên các thách thức về an ninh quốc gia.
Thái độ của Hungary đối với vấn đề người tị nạn đã vấp phải các chỉ trích rằng Budapest đã vô trách nhiệm khi không chịu chia sẻ những khó khăn chung của khối trong khi vẫn muốn hưởng lợi ích.
Có thể thấy, cho đến bây giờ các nước EU vẫn thể hiện sự bất đồng sâu sắc trong kế hoạch phân bổ hơn 160.000 người tị nạn.
Trả lời phỏng vấn nhật báo Welt am Sonntag của Đức ngày 2-10, Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz nhấn mạnh EU cần sớm ngừng kế hoạch phân bổ “không thực tế” đó càng sớm càng tốt.
Ông Kurz cảnh báo việc tiếp tục theo đuổi kế hoạch sẽ “đe dọa sự gắn kết của trong toàn khối”. Cũng theo Ngoại trưởng Áo, vấn đề không chỉ nằm ở việc các quốc gia có đồng ý tiếp nhận người tị nạn hay không mà còn ở ý chí của những người này.
“Nhiều người tị nạn từ chối tới một số quốc gia trong EU”, ông Kurz nói.
Trong khi đó, Đức – nền kinh tế lớn nhất EU vẫn kiên trì kêu gọi các nước nên cùng nhau chia sẻ gánh nặng chung của khối.
Thế nhưng ngay trong lòng nước Đức lại cho thấy sự chia rẽ về chính vấn đề mà Chính quyền của Thủ tướng Angela Merkel đã kêu gọi EU đoàn kết.
Những kết quả bầu cử cấp bang ở Đức gần đây cho thấy người dân nước này đang dần mất lòng tin vào chính sách mở cửa với người tị nạn của bà Merkel.
Chia rẽ vì người tị nạn và loay hoay giải quyết hệ quả sau sự ra đi của nước Anh, EU vẫn đang lúng túng “như gà mắc tóc” bất chấp các nỗ lực gắn kết và vực dậy niềm tin của người dân.
Theo Tuổi trẻ