Nhiều trẻ em ăn xin ở Ấn Độ là nạn nhân của nạn buôn người. Ảnh: AP
Trong một báo cáo được lưu hành trong lực lượng cảnh sát của nước này, các tác giả kêu gọi các nhà thực thi pháp luật cần thực hiện việc giám sát lớn hơn đối với những trẻ em sống trên đường phố.
Theo Ủy ban Nhân quyền quốc gia Ấn Độ, có đến 40.000 trẻ em bị bắt cóc ở Ấn Độ mỗi năm, trong đó có ít nhất 11.000 đứa trẻ vẫn chưa tìm thấy dấu vết.
"Cảnh sát không nghĩ rằng ăn xin là một vấn đề bởi vì họ cho rằng những người lớn đi cùng với bọn trẻ ăn xin là những thành viên trong gia định hoặc là người quen" đồng tác giả Anita Kanaiya, Giám đốc điều hành của Dự án Tự do Ấn Độ, làm việc về các vấn đề buôn người nhận định. "Tuy nhiên, cứ 50 trẻ em được giải cứu sẽ có ít nhất 10 đứa trẻ là nạn nhân của bọn buôn người. Và phải rất khó khăn để nhận dạng chúng", bà Kanaiy nói với Reuters.
Báo cáo cũng chỉ rõ rằng, trẻ em đôi khi bị thương hoặc bị làm phỏng để khơi gợi sự đồng cảm lớn hơn và nhận được nhiều tiền bố thí hơn. Số tiền mà chúng kiếm được thường được trả cho những kẻ buôn người, hoặc để mua rượu và ma túy.
Báo cáo này dựa trên kinh nghiệm của cảnh sát và các tổ chức từ thiện tại thành phố Bengaluru - trước đây gọi là Bangalore - tại bang miền nam Karnataka, Ấn Độ.
Có một mô hình ăn xin theo mùa, cảnh sát địa phương cho biết. Các thành phố như Bengaluru sẽ thấy có sự gia tăng mạnh về số lượng trẻ em lang thang trên đường phố ngay trước khi lễ hội hoặc sau khi một thảm họa tự nhiên xảy ra.
Trong năm 2011, công an Thành phố Bengaluru đưa ra "Chiến dịch Rakshane", phối hợp với các cơ quan chính phủ khác nhau và các tổ chức từ thiện để vạch ra một kế hoạch chi tiết nhằm giúp đơc cho những đứa trẻ bị buộc phải đi ăn xin.
Nhiều tháng trước khi thực hiện một loạt các vụ giải cứu, họ tỏa đi rải rác khắp thành phố, chụp ảnh trẻ em trên đường phố, và ghi nhận tài liệu hoạt động hàng ngày trước khi trở về nhà.
"Khi bắt đầu, chúng tôi không có gì để chứng minh mối liên hệ giữa ăn xin và nạn buôn người. Nhưng chúng tôi đã ghi chép tỉ mỉ bất kỳ dấu hiệu nào của lao động cưỡng bức trên các đường phố", bà Kanaiya nói.
Theo Tổng thanh tra cảnh sát Pronob Mohanty, người dẫn đầu các hoạt động, các nhóm công an và y tế đã giải cứu được đến 300 đứa trẻ trong một ngày duy nhất ở thành phố.
Những kẻ buôn người sau đó đã bị bắt giữ và giam cầm.
"Chiến dịch Rakshane được coi như một mô hình mẫu có thể được nhân rộng của sự hợp tác từ cơ quan liên quan", ông Mohanty cho biết, trong đó đề xuất việc giám sát, thu thập dữ liệu, cũng như danh sách các điều luật có liên quan.
Tố Quyên (Lược dịch từ Reuters & Newsunited)