Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar bày tỏ lo ngại về tình hình Biển Đông, nơi Ấn Độ cũng có lợi ích: "Tình hình căng thẳng ở Biển Đông tiếp tục được các bên quan tâm. Hơn 1/2 hàng hóa thương mại của Ấn Độ vận chuyển qua vùng biển này.
|
Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc cải tạo phi pháp một bãi đá ở Biển Đông. Ảnh AP |
Tuy nhiên, Ấn Độ không đứng về bên nào trong tranh chấp mà cần được giải quyết hòa bình, không đe dọa hay sử dụng vũ lực. Ấn Độ đề cao tự do hàng hải và tự do hàng không phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc”.
Trước việc Trung Quốc ra yêu sách độc chiếm Biển Đông, một trong các hải trình quan trọng bậc nhất thế giới và là "vựa cá", đồng thời cũng như là nơi có nguồn tài nguyên dầu khí tiềm năng, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein bày tỏ lo ngại: "Những động thái gây bất ổn của Trung Quốc gây lo ngại về nguy cơ dẫn đến một cuộc chạy đua quân sự hiện tại và tương lai. Chạy đua vũ trang là một vấn đề ngày càng nhạy cảm.
Chúng ta không thể để vấn đề này gây phân tâm trong khi chúng ta đang phải giải quyết các mối đe dọa đến từ bên ngoài như nhóm Nhà nước Hồi giáo. Không cần thiết phải thêm vào sự căng thẳng trong khu vực này".
Biển Đông đã trở thành một điểm nóng trong những cuộc tranh cãi gần đây giữa Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản. Trung Quốc liên tục chỉ trích Mỹ và Nhật Bản, gọi hai nước này là "người ngoài cuộc", cáo buộc Nhật Bản và Mỹ can thiệp vào tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với một số nước Đông Nam Á.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon nói: "Chúng tôi không đứng về phe nào trong các tranh chấp. Chúng tôi không hỗ trợ các yêu cầu của bất kỳ bên tranh chấp nào. Chúng tôi cam kết là mọi luật lệ phải dựa trên hệ thống luật pháp quốc tế, và duy trì tự do hàng hải.
Chúng tôi cũng hy vọng tất cả các bên tránh các hành động mà có thể tăng thêm căng thẳng và thực hiện các phán quyết của tòa án Liên Hợp quốc. Chúng tôi kêu gọi nối lại các cuộc đàm phán hòa bình, kể cả các cuộc đàm phán về Biển Đông”.
Có thể thấy, Biển Đông là vấn đề nóng được thảo luận xuyên suốt tại đối thoại Shangri-la 2016. Cộng đồng quốc tế nhấn mạnh đến sự cần thiết phải duy trì tự do hàng hải, tự do hàng không cũng như cần giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông thông qua biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế./.
Theo VOV