Cuộc khảo sát của cơ quan này cho thấy 48% các doanh nghiệp đã và đang phải gánh chịu hậu quả từ việc thiếu hụt về kỹ năng hoặc nguồn lao động, do các nhân viên EU bỏ việc và rời khỏi đất nước, và các nguồn lao động từ lục địa này bị suy giảm.
Các công ty dịch vụ du lịch và khách sạn quan ngại rằng họ sẽ phải đóng cửa, trong khi các công ty kỹ thuật và sản xuất đang cân nhắc việc chuyển ra nước ngoài để có được nguồn nhân lực cần thiết - và hậu quả là những công nhân Anh sẽ phải chịu tổn thất trong quá trình này.
Các doanh nghiệp Anh đang vất vả trong việc thu hút nhân lực từ EU. Ảnh: Matt Cardy/Getty Image Europe
Theo đó, BCC muốn chính phủ đưa ra một sự bảo đảm "vô điều kiện" cho các công nhân thuộc Khu vực Kinh tế Châu Âu (EEA) - bao gồm cả EU - "họ và gia đình họ có thể ở lại đây sau Brexit".
Cơ quan này muốn các công ty tiếp tục tiếp cận với lao động mới của khu vực EEA thông qua bất kỳ giai đoạn chuyển tiếp Brexit nào “ở tất cả các cấp độ kỹ năng, mà không có thêm chi phí hoặc hạn chế nào khác, và những người lao động này sẽ được phép ở lại Anh vào cuối giai đoạn chuyển tiếp”.
Các doanh nghiệp cũng đề nghị một hệ thống di cư "linh hoạt, nhanh chóng và hợp lý" được đưa ra sau khi Brexit hoàn tất nhằm cho phép họ có thể thuê nhân viên của khu vực EEA mà không mất nhiều chi phí hoặc quá nhiều thủ tục.
Điều này cũng bao gồm việc duy trì "dòng di cư tự do của người dân qua biên giới giữa Bắc Ailen và Cộng hòa Ireland".
BCC cho biết, bất kỳ cơ chế nhập cư nào trong tương lai đều "nên phản ánh tầm quan trọng của lao động có trình độ thấp đối với các doanh nghiệp Anh và bao gồm một lộ trình linh hoạt để các doanh nghiệp tiếp cận với các lao động có tay nghề thấp của EEA một cách dài hạn và theo mùa", chứ không chỉ với công nhân có tay nghề cao – những người thường chi phối các diễn đàn tranh luận.
Tỷ lệ việc làm ở Anh hiện đang ở gần mức cao kỷ lục, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong 42 năm qua, khiến cho các công ty khó tìm kiếm được nguồn nhân lực mà họ cần, ngay cả khi chưa có sụt giảm nguồn cung lao động từ EU.
Thế Vĩnh (lược dịch từ The Telegraph)