Thái Lan là quốc gia đảm nhận vị trí Chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm nay. Ảnh: The Nation
Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp (AEMR) lần thứ 25 chính thức bắt đầu vào ngày hôm nay (22/4) tại tỉnh Phuket, Thái Lan, nơi 2 văn bản dự kiến sẽ được ký kết nhằm tăng cường thương mại dịch vụ và đầu tư trong khu vực.
Các mục tiêu do Thái Lan đưa ra tập trung dưới 3 trụ cột, bao gồm: hỗ trợ ASEAN chuẩn bị cho cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (4IR); tăng cường kết nối ASEAN thông qua thương mại, đầu tư và du lịch; và cho phép sự phát triển kinh tế bền vững trong ASEAN.
2 trong số các mục tiêu chính sẽ được thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp là kết thúc các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và hoàn thành hệ thống thương mại Cơ chế Một cửa ASEAN (ASW) cho tất cả 10 thành viên ASEAN, bà Auramon Supthaweethum, Vụ trưởng Vụ Đàm phán Thương mại, Bộ Thương mại Thái Lan cho hay.
Nếu các cuộc đàm phán thành công, RCEP sẽ là hiệp định thương mại đa phương lớn nhất trong lịch sử, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và 10 quốc gia thành viên ASEAN.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các thành viên RCEP chiếm tới 28% GDP toàn cầu, và có đến 30% giá trị thương mại thế giới.
Theo dữ liệu từ Bộ Thương mại Thái Lan, trong năm 2017, lên đến 60% hàng xuất khẩu của Thái Lan được gửi sang các quốc gia RCEP.
Trong khi đó, Cơ chế Một cửa ASEAN (ASW) đặt mục tiêu tích hợp các hệ thống một cửa quốc gia khác nhau của các thành viên ASEAN, nhằm đẩy nhanh việc thông quan hàng hóa và thúc đẩy thương mại xuyên biên giới, bằng cách cho phép hoạt động trao đổi điện tử những tài liệu liên quan đến thương mại giữa các quốc gia thành viên ASEAN.
Cơ chế Một cửa ASEAN (ASW) có khả năng cắt giảm thời gian mà hàng hóa phải chờ ở các biên giới từ 10 ngày xuống chỉ còn 1-3 ngày.
“Ngoài ra, 2 văn kiện chính dự kiến được ký kết là Hiệp định Thương mại Dịch vụ ASEAN (ATISA) và Nghị định thư thứ 4 để sửa đổi Hiệp định Đầu tư Toàn diện ASEAN (ACIA)”, bà Auramon Supthaweethum nói với Hãng tin The Nation.
Cụ thể, Hiệp định Thương mại Dịch vụ ASEAN (ATISA) nhằm cải thiện các tiêu chuẩn quy định đối với lĩnh vực dịch vụ trong khu vực, giảm những rào cản không cần thiết đối với thương mại dịch vụ trong ASEAN, đồng thời tăng cường tính minh bạch về quy định đối với lĩnh vực dịch vụ cho từng thành viên ASEAN.
Hiệp định Thương mại Dịch vụ ASEAN (ATISA) bao gồm các nguyên tắc như cải thiện những quy định để tăng cường hiệu suất của ngành dịch vụ, tăng cường tính minh bạch về quy định của Chính phủ, cũng như cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).
Bên cạnh đó, Nghị định thư thứ 4 để sửa đổi Hiệp định Đầu tư Toàn diện ASEAN (ACIA) sẽ giải quyết vấn đề về việc đặt ra một số điều kiện nhất định đối với các nhà đầu tư nước ngoài, nhằm tăng cường hơn nữa đầu tư trong khu vực.
Ngoài ra, do việc chuẩn bị cho cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (4IR) là ưu tiên kinh tế quan trọng trong năm 2019, hội nghị sẽ thảo luận về những gì ASEAN có thể làm với tư cách là một cộng đồng kinh tế để đáp ứng những thách thức của cuộc Cách mạng Công nghiệp này.
Trong khi đó, khu vực tư nhân rất mong muốn được nhìn thấy những tiến bộ rõ rệt trong các cuộc đàm phán RCEP và Cơ chế Một cửa ASEAN (ASW) sau hội nghị.
“Thái Lan nên thúc đẩy việc hoàn thành các cuộc đàm phán RCEP càng sớm càng tốt. Hiệp định thương mại khổng lồ đại diện cho khái niệm trung tâm ASEAN và có thể bù đắp những tác động tiêu cực của căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đối với hàng xuất khẩu của Thái Lan”, ông Prinn Panitchapakdi, người đứng đầu Ngân hàng CLSA Thái Lan nhận định.
Trong một động thái liên quan, ông Supant Mongkolsuthree, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan cho hay: “Chúng tôi hy vọng sẽ chứng kiến sự phát triển của Cơ chế Một cửa ASEAN (ASW) cho tất cả các quốc gia thành viên ASEAN, nhằm tăng cường sự dễ dàng trong kinh doanh đối với các nhà xuất khẩu trong khu vực này”.
Lê Thảo (Lược dịch từ The Nation)