Nhiệt độ trung bình trên khắp Australia trong tháng 1 vượt mức 30 độ C lần đầu tiên trong lịch sử. Ảnh: AFP
Đợt nắng nóng có nhiệt độ trên 40 độ C trong nhiều ngày liên tục ở một số khu vực, chủ yếu là do một hệ thống áp suất cao ngoài khơi bờ biển phía đông nam đã ngăn cản không khí mát mẻ đi vào đất liền, Cục Khí tượng Australia cho hay.
Bên cạnh đó, ông Andrew Watkins, nhà khí hậu học cao cấp tại Cục Khí tượng Australia nhận định, gió mùa bị trì hoãn cũng ngăn không khí mát mẻ, ẩm ướt đi vào từ phía bắc và xu hướng ấm lên đã đẩy nhiệt độ của Australia lên hơn 1 độ C trong 100 năm qua, góp phần vào sức nóng.
Thời tiết khắc nghiệt trong tháng trước đã gây ra sự cố mất điện ở một số khu vực và khiến giá điện tăng vọt, trong khi các vụ cháy rừng phá hủy nhiều ngôi nhà tại tiểu bang Tasmania ở phía nam.
"Đối với các mức nhiệt độ tối đa, nhiệt độ tối thiểu và nhiệt độ trung bình, đây không chỉ là tháng 1 nóng nhất trong lịch sử, mà thực sự còn là tháng nóng nhất lịch sử, khi những số liệu được ghi nhận từ năm 1910", ông Watkins khẳng định.
Đáng chú ý, nhiệt độ cao dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài ít nhất suốt tháng 2 đến tháng 3 và tháng 4, nhà khí hậu học cao cấp nói thêm.
Cũng theo Cục Khí tượng Australia, nhiệt độ trung bình trong tháng 1 trên cả nước đã vượt ngưỡng 30 độ C.
Trong đó, 2 tiểu bang đông dân nhất là New South Wales và Victoria đã ghi nhận các mức nhiệt độ cao, thấp và trung bình nóng nhất trong tháng 1.
Đồng thời, New South Wales cũng đã hứng chịu một trong những tháng 1 khô hạn nhất trong lịch sử, trong khi Victoria có ít hơn 20% lượng mưa trung bình của tháng 1.
Ngoài ra, tiểu bang Tasmania, nơi phụ thuộc vào thủy điện, đã trải qua tháng 1 khô hạn nhất trong lịch sử. Tiểu bang Western Australia (Tây Úc) có tháng 1 khô hạn nhất kể từ năm 2005.
Trước đó vào ngày 31/1, Cục Khí tượng Australia cho hay, bờ biển phía tây phải đối mặt với thời tiết khô và nóng trong 3 tháng tới, điều này sẽ tác động đến triển vọng sản xuất lúa mì ở quốc gia xuất khẩu lớn thứ 4 thế giới.
Thanh Ngân (Lược dịch từ Reuters & AFP)