Thứ Hai, 29/07/2019 14:54
(GMT+7)
Bán đảo Scandinavia đối diện với mùa hè nóng kỷ lục
TTH.VN - Một đợt nắng nóng gây ra bởi khối không khí có nhiệt độ cao kỷ lục di chuyển từ Đức lên các nước Bắc Âu. Vì thế, các nhà khoa học đang cảnh báo về khả năng băng sẽ tan nhanh hơn ở Greenland.
Dải băng lớn thứ 2 của thế giới tại Greenland đang tan nhanh hơn. Nguồn: DW
Người dân bán đảo Scandinavia đang phải đối mặt với nhiệt độ nóng bất thường trong một đợt ảnh hưởng của khối nhiệt di chuyển từ phía nam lên. Tại Na Uy, nhiệt độ có thể bằng mức kỷ lục nắng nóng năm 1970 là 35,6 độ C (96 độ F) được đo tại thị trấn Laksfors.
Khu vực phía bắc xa xôi của Thụy Điển lại trải qua một thời kỳ nóng nhất trong nhiều thập kỷ, với nhiệt độ ghi được tại thị trấn Markusvinsa là 34,8 độ C, phá vỡ kỷ lục từ năm 1945.
Cảnh báo nền nhiệt cao đã được chính quyền phát ra ở các nước Thụy Điển, Na Uy và Phần Lan. Ở Phần Lan, cảnh sát thậm chí còn phải cảnh báo những người lái xe phải đặc biệt cẩn thận với những con nai sừng tấm khát nước có thể đột ngột băng qua đường để tìm nước.
“Đêm nhiệt đới”
Viện Khí tượng Na Uy cho biết 20 địa điểm khác nhau ở miền nam Na Uy đã trải qua những “đêm nhiệt đới”, với nhiệt độ duy trì trên 20 độ C suốt đêm.
Cơ quan này cho biết vẫn cần phải “kiểm tra lại” phương pháp đo nhiệt ở Laksfors vì nó có thể bằng với kỷ lục nhiệt độ trước đó được đo ở Nesbyen vào năm 1970.
Băng của Greenland đang lâm nguy
Khi sóng nhiệt di chuyển lên phía bắc, các nhà khoa học khí hậu đã cảnh báo về khả năng tan chảy nhanh chóng của dải băng lớn thứ hai thế giới ở Greenland. Các nhà khoa học ước tính rằng nếu toàn bộ khối băng này tan, mực nước biển có thể dâng cao khoảng 6 mét (20 feet).
Tổ chức Khí tượng Thế giới cho biết tình hình băng tan có thể đạt đến mức kỷ lục của năm 2012.
Các nhà khoa học khí hậu giải thích rằng sự gia tăng nhiệt độ bất thường là một dấu hiệu bổ sung của sự nóng lên toàn cầu do con người gây ra thông qua việc phát thải các khí nhà kính như carbon dioxide và metan.
Anh Tuấn (Lược dịch từ DW)