Ẩm thực đường phố là một trong những đặc trưng thu hút du khách ở Bangkok. Ảnh: Phinemo
Sức hút từ ẩm thực đường phố
Ẩm thực đường phố từ lâu đã trở nên nổi tiếng đối với du khách nước ngoài và người dân địa phương ở nhiều thành phố châu Á, trong đó Bangkok là một trong những thủ đô hàng đầu có sức hút mạnh mẽ từ nét văn hoá này.
Khác với các khu bán hàng rong của Singapore, ẩm thực đường phố ở Bangkok và các thành phố lớn khác ở Thái Lan có lẽ đa dạng hơn, với những đặc điểm không thể thấy ở bất kỳ nơi nào khác. Những đặc tính này đưa Bangkok trở thành một trong những thành phố thực phẩm đường phố hàng đầu thế giới, dựa trên các cuộc khảo sát về du lịch quốc tế và các vấn đề liên quan.
Mới đây, Jae Fai - một người bán thức ăn đường phố ở Bangkok, đã nhận được giải thưởng sao vàng Michelin (danh hiệu cao quý đáng mơ ước của các đầu bếp trên thế giới) cho món trứng tráng với thịt cua. Trong khi đó, Cơ quan Du lịch Thái Lan đang khởi động một chiến dịch mới mang tên “Hương vị tuyệt vời của Thái Lan với thế giới” nhằm đẩỷ mạnh danh tiếng của món cà ri Mussaman. Các loại thực phẩm nổi tiếng khác của Thái Lan với du khách nước ngoài còn có Tom Yum Koong và Phad Thai.
"Nữ hoàng ẩm thực đường phố" Jae Fai với món trứng tráng thịt cua. Ảnh: The Nation
Đối với bà Jae Fai, hãng hàng không Thai Airways International cho biết đang tạo cơ hội để "nữ hoàng ẩm thực đường phố" nổi tiếng này chuẩn bị một thực đơn đặc biệt cho khách hàng của hãng. Là một trong 10 điểm đến du lịch hàng đầu thế giới, ẩm thực Thái Lan - trên đường phố hoặc trong các quán ăn lề đường - chắc chắn đóng một vai trò lớn trong việc thu hút du khách nước ngoài, bên cạnh các điểm du lịch tự nhiên hay các trung tâm mua sắm, v.v ...
Theo thống kê mới nhất từ Tổ chức Du lịch Thế giới (WTO), khách du lịch nước ngoài hàng năm của Thái Lan đã lên tới 35 triệu lượt, là điểm đến phổ biến thứ 10 trên thế giới trong năm 2017. Xét về doanh thu du lịch, Thái Lan xếp thứ tư thế giới sau Mỹ, Tây Ban Nha và Pháp với tổng doanh thu 57,5 tỷ USD trong năm 2017, WTO cho biết.
Singapore đang đệ trình UNESCO công nhận các khu bán hàng rong của nước này là di sản văn hoá phi vật thể. Ảnh: The Straits Times
Sự chú trọng của chính phủ
Theo Bộ trưởng Du lịch và Thể thao Thái Lan Weerasak Kowsurat, chính phủ ủng hộ mọi nỗ lực bảo tồn tất cả các di sản văn hóa, bao gồm cả ẩm thực đường phố, nhưng trọng tâm hiện tại của đất nước là vấn đề vệ sinh cũng như quản lý chất thải thực phẩm. Về trách nhiệm môi trường, Bộ trưởng cho biết chính quyền đã lần đầu tiên áp dụng lệnh cấm sử dụng túi nilon và hộp xốp trong các vườn thú công cộng và các công viên biển quốc gia trên toàn quốc. Động thái này được chào đón bởi hầu hết du khách trong và ngoài nước.
Một ví dụ khác là việc sử dụng rộng rãi hơn Pintou (một vật dụng truyền thống của Thái Lan) của những người dân địa phương và du khách nước ngoài trong một nỗ lực để giảm sự phụ thuộc vào túi nhựa và các hộp đựng thực phẩm dùng một lần khác.
Theo Bộ trưởng, một số nhà hàng cũng đã bắt đầu cung cấp ống hút bằng tre thay cho ống hút nhựa vốn có hại cho môi trường. Dựa trên một cuộc khảo sát gần đây về khách du lịch, 97% người được hỏi cho biết họ sẵn sàng làm theo các sáng kiến để cải cách quản lý điểm đến du lịch, tập trung vào việc sử dụng du lịch như một phương tiện để giải quyết sự chênh lệch về thu nhập ở các cộng đồng nông thôn.
“Chúng tôi nhất trí rằng số lượng khách du lịch nước ngoài hoặc chi tiêu của họ không phải là ưu tiên hàng đầu. Vì vậy, mục tiêu thu hút 36 triệu du khách trong năm nay không còn quá quan trọng, mà điều quan trọng hơn là tập trung vào chỉ số GSTC (tiêu chuẩn của Hội đồng Du lịch bền vững toàn cầu) để phát triển hơn nữa”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tố Quyên (Lược dịch từ The Nation)