Một ngôi nhà bị ngập lụt ở Mỹ. Ảnh: AP
Khi sự thay đổi khí hậu gây ra mực nước biển dâng cao, tình trạng "ngập lụt phiền toái" sẽ trở nên thường xuyên hơn và tấn công mạnh vào các thành phố như Washington D.C., San Francisco, Boston và Miami, các nhà nghiên cứu cho biết.
Trong 20 năm qua, Washington đã phải gánh chịu hơn 94 giờ "ngập lụt phiền toái" mỗi năm. Đến năm 2050, thủ đô này có thể phải chứng kiến 700 giờ lũ lụt/năm, các nhà khoa học ước tính trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí Geophysical Union của Mỹ về tương lai của trái đất.
Ông Amir AghaKouchak - giáo sư kỹ thuật môi trường và dân dụng tại Đại học California, Irvine (UCI), đồng tác giả của nghiên cứu nói: "Vì những sự kiện này không phải cực đoan, nên chúng không được chú ý nhiều".
Theo định nghĩa của National Ocean Service, "ngập lụt phiền toái" là "tình trạng lũ lụt gây ra những bất tiện công cộng như đóng cửa các con đường", nhưng hiếm khi gây tử vong hoặc thương tích.
Lũ lụt có thể làm ngập hệ thống cống rảnh, từ từ làm xuống cấp cơ cấu hạ tầng và hạn chế nguồn lực của thành phố. Các con đường và vỉa hè không được thiết kế để ngâm dưới dòng nước mặn hàng giờ liền, nhiều thành phố thường phải đóng cửa các con đường và đưa xe tải làm sạch chúng, các nhà khoa học cho biết.
Tác giả chính Hamed Moftakhari, cũng thuộc UCI, cảnh báo: "Hệ thống hạ tầng chắc chắn không thể chịu được điều đó. Từ đó gây ra những thiệt hại tốn kém, kéo dài".
Theo Mia Goldwasser, giám đốc chương trình chuẩn bị cho tình trạng khí hậu của Boston, cư dân đã nhận thấy sự bất tiện khá thường xuyên này. Thành phố đã ghi nhận một số điểm nóng dọc bờ sông, nơi "sẽ trở nên tồi tệ hơn trong tương lai nếu có lũ lụt xảy ra". Theo bà, lũ lụt đã nâng cao nhận thức của công chúng đối với những hiện thực hằng ngày của biến đổi khí hậu.
Các nhà khoa học đang sử dụng thông tin này như là một "lời kêu gọi hành động" đối với các thành phố ven biển nhằm xem xét vấn đề và quyết định những cách tốt nhất để đối phó với tình trạng nước biển dâng.
Cụ thể, Boston đã bắt đầu đưa ra những ý tưởng để giảm thiểu ảnh hưởng của việc nước biển dâng cao đối với hệ thống cơ sở hạ tầng, bao gồm các đặc tính chống lũ và có khả năng xây dựng một bức tường biển khổng lồ.
Một số đường xá và các tòa nhà có thể bị ăn mòn bởi tình trạng "ngập lụt phiền toái", nhưng một số khác có thể sẽ chịu được cảnh bị ngâm hoàn toàn dưới nước, Goldwasser nói.
Bảo Nghi (Lược dịch từ Reuters)