|
Trái đất đang dần nóng lên. Ảnh: Image |
Nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu trong tháng hai vừa qua cao hơn 1,35 ° C so với mức trung bình tháng được đo từ năm 1951 đến năm 1980. Kỷ lục trước đây, cao hơn 1,14 ° C so với nhiệt độ trung bình trong giai đoạn 1951-1980, vừa được thiết lập chỉ 1 tháng trước đó - vào tháng giêng năm 2016.
Theo nhà khí tượng Bob Henson và Tiến sĩ Jeff Masters, người sáng lập trang web nổi tiếng về khí tượng Weather Underground, báo cáo của NASA là một "quả bom tấn". Các nhà khí tượng học lo lắng rằng, hành tinh này có thể đã vượt mức đỉnh điểm quan trọng, khi "nhiệt độ tháng 2/2016 tăng vọt vượt những tháng khác, trở thành tháng nóng nhất (có tính đến yếu tố điều chỉnh theo mùa) trong hơn một thế kỷ qua, khi số liệu toàn cầu bắt đầu được lưu trữ".
Chuyên gia Stefan Rahmstorf, thuộc Viện Nghiên cứu những tác động của khí hậu Potsdam - Đức, cảnh báo rằng "chúng ta hiện đang ở trong tình trạng khẩn cấp về khí hậu", "những con số mới khá ấn tượng, và những gì chúng ta đang thấy hoàn toàn chưa từng xảy ra".
Nhiều nhà khoa học tin rằng, các dữ liệu về khí hậu được báo cáo là một hồi chuông báo động nghiêm trọng. Nhiệt độ được ghi nhận trong tháng 2/2016 thậm chí còn vượt quá 0,47°C so với tháng 2/1998, năm diễn ra hiện tượng "siêu" El Nino. Theo nhận định của các nhà khí hậu học, chuỗi các bản ghi nhiệt độ hàng tháng chỉ là bề mặt của tảng băng trôi, và dự đoán mức nhiệt độ kỷ lục sẽ tiếp tục diễn ra trong những tháng và những năm tới, do sự tập trung của carbon trong khí quyển toàn cầu sẽ đẩy nhiệt độ lên cao hơn nữa trong dài hạn.
Ngoài việc nhiệt độ tăng dần, điều mà nhiều nhà khoa học lo ngại là khi đạt tới đỉnh điểm, sự nóng lên toàn cầu sẽ dẫn đến sự tan chảy quy mô của các chỏm băng vùng cực, từ đó sẽ giải phóng khí metan, một loại khí nhà kính mạnh gấp khoảng 80 lần so với khí carbon dioxide về những tác động đối với nhiệt độ toàn cầu.
Tố Quyên (Lược dịch từ Sputnik & Newsunited)