Thế giới

Singapore đối mặt nguy cơ nước biển dâng thêm 1,15m, nhiệt độ tăng 5 độ C vào cuối thế kỷ

ClockChủ Nhật, 07/01/2024 17:42
TTH.VN - Singapore và cộng đồng toàn cầu đang phải đối mặt với tình trạng mực nước biển dâng cao không thể tránh khỏi trong những thập kỷ tới, ngay cả trong kịch bản lạc quan nhất là lượng khí thải carbon thấp.

Singapore sẽ hỗ trợ các quốc gia khác phát triển xanh và bền vữngCó thể tốn đến 72 tỷ USD để bảo vệ Singapore trước tình trạng nước biển dângSingapore vừa trải qua năm nóng thứ 8 từng được ghi nhậnSáng kiến tại Thái Lan, Singapore giúp người dân bớt ngột ngạt trong nắng nóng

Singapore có thể đối mặt với tình trạng nhiệt độ trung bình tăng và các đợt nắng nóng gay gắt kéo dài vào cuối thế kỷ này. Ảnh: iStock 

Singapore và cộng đồng toàn cầu đang phải đối mặt với tình trạng mực nước biển dâng cao không thể tránh khỏi trong những thập kỷ tới, ngay cả trong kịch bản lạc quan nhất là lượng khí thải carbon thấp. Đồng thời, quốc gia này cũng phải hứng chịu “cơn thịnh nộ” của biến đổi khí hậu khi nhiệt độ trung bình hàng ngày có thể tăng tới 5 độ C vào năm 2100.

Mực nước biển dâng cao

Theo bản cập nhật Nghiên cứu về biến đổi khí hậu quốc gia lần thứ 3 của Singapore vừa được công bố, mực nước biển trung bình quanh Singapore sẽ còn tăng cao hơn dự kiến trước đây. Các dự báo trước đây ước tính mực nước biển trung bình sẽ dâng lên tới 1m vào cuối thế kỷ này, nhưng nghiên cứu mới nhất đã điều chỉnh con số này lên tới 1,15m. Thậm chí, theo kịch bản phát thải carbon vẫn ở mức cao, nghiên cứu cảnh báo mực nước biển trung bình ở quốc gia này có thể dâng thêm tới 2m vào năm 2150.

Được biết, khoảng 30% đất đai của Singapore nằm ở độ cao dưới 5m so với mực nước biển trung bình. Khi mực nước biển tăng lên, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như thủy triều dâng cao và nước dâng do bão có thể khiến mực nước biển dâng cao thêm từ 4 - 5 m.

Nhiệt độ trung bình tăng

Cũng theo nghiên cứu, ngoài nguy cơ mực nước biển dâng cao hơn dự báo, tình trạng nắng nóng gay gắt, mưa bão dữ dội và hạn hán kéo dài có thể trở thành những hiện tượng bình thường trong những thập kỷ tới.

Trong kịch bản xấu nhất, nhiệt độ có thể tăng từ mức trung bình hằng ngày là 27,9 độ C hiện nay lên 32,9 độ C vào năm 2100, trong khi nhiệt độ trung bình hằng ngày cao nhất có thể lên tới 36,7 độ C, tăng từ mức 31,4 độ C ở thời điểm hiện tại - nếu lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu tiếp tục tăng mạnh.

Nghiên cứu cho biết điều này sẽ có tác động sâu sắc đến sức khỏe của các nhóm đối tượng khác nhau, gây ra nhiều bệnh liên quan đến nhiệt hơn, đặc biệt là ở những người dễ bị tổn thương, bao gồm người già, trẻ nhỏ và những người làm việc ngoài trời.

Thực tế, một Singapore nóng hơn là điều không thể tránh khỏi, với nhiệt độ ở đây có thể tăng ít nhất 0,6 độ C vào cuối thế kỷ này - ngay cả trong kịch bản lạc quan nhất khi thế giới cố gắng cắt giảm đáng kể lượng khí thải, đạt mức phát thải ròng bằng 0 sau năm 2050.

Công bố những phát hiện này, Bộ trưởng Bộ Phát triển bền vững và Môi trường Singapore Grace Fu nhấn mạnh: “Nghiên cứu cho thấy rằng chúng ta sẽ phải đối mặt với các điều kiện khí hậu khắc nghiệt hơn, bao gồm nhiệt độ cao hơn, lượng mưa lớn hơn và các đợt khô hạn kéo dài và thường xuyên hơn… Những điều kiện khí hậu này cũng có thể dẫn đến những thách thức khí hậu gián tiếp khác, bao gồm cả sự gián đoạn nguồn nước và thực phẩm”.

Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu Singapore (MSS) thuộc Cơ quan Khí tượng Singapore cho thấy mức độ nghiêm trọng khác nhau của tác động khí hậu mà nước này có thể gặp phải, điều này phụ thuộc vào việc thế giới có thể giảm thiểu phát thải khí nhà kính tốt đến mức nào trong những năm tới.

Và để đối phó với những tình huống này, Singapore đã đưa ra nhiều kế hoạch từ xây dựng các khu phát triển mới cao hơn mực nước biển trung bình 4m cho đến tìm cách tốt nhất để hạ nhiệt thành phố.

Đồng thời, Grace Fu cho biết MSS sẽ chia sẻ các dữ liệu này với các quốc gia thành viên ASEAN và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) để có thể thực hiện các đánh giá về tác động khí hậu ở khu vực một cách chi tiết hơn đối với các ngành liên quan, ví dụ như nông nghiệp.

Theo Giáo sư Winston Chow - nhà khoa học khí hậu tại Đại học Quản lý Singapore, điều này sẽ giúp các nước trong khu vực chuẩn bị cho các mối nguy hiểm liên quan đến khí hậu, chẳng hạn như xây dựng hệ thống cảnh báo sớm tốt hơn đối với các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hoặc có cơ sở hạ tầng vật chất và dựa vào thiên nhiên để chống lại sự gia tăng nhiệt độ hoặc mực nước biển dâng.

BẢO NGHI (Lược dịch từ CNA & Straitstimes)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hãy dùng hành động để ủng hộ “thỏa thuận xanh” của thế giới

Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP29) tổ chức tại Baku (Azerbaijan) từ ngày 11 - 22/11 đưa tính cấp thiết của việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu trở lại chương trình nghị sự quốc tế.

Hãy dùng hành động để ủng hộ “thỏa thuận xanh” của thế giới
COP29: Singapore cam kết tài trợ 500 triệu USD cho các dự án xanh ở châu Á

Theo tin từ CNA, Chính phủ Singapore cam kết sẽ tài trợ tới 500 triệu USD cho các dự án xanh và dự án chuyển đổi ở châu Á, như một phần trong cam kết của nước này nhằm cung cấp các giải pháp tài chính về khí hậu trong khu vực. Thông báo này được Bộ trưởng Bộ Môi trường và Phát triển Bền vững Singapore Grace Fu đưa ra tại Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc (COP29) đang diễn ra tại thủ đô Baku của Azerbaijan.

COP29 Singapore cam kết tài trợ 500 triệu USD cho các dự án xanh ở châu Á
Return to top