ClockThứ Ba, 27/08/2019 14:31

Bộ Quốc phòng Mỹ lên án Trung Quốc can thiệp hoạt động dầu khí của Việt Nam

Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố Trung Quốc đang tiến hành ‘sự can thiệp mang tính áp bức’ nhằm vào các hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam ở Biển Đông, đồng thời cáo buộc Bắc Kinh sử dụng ‘các chiến thuật bắt nạt’.

Mỹ lên án Trung Quốc leo thang gây hấn với Việt Nam ở Biển Đông'Việt Nam là một nước độc lập, có sự tự chủ mạnh mẽ'Tướng Mỹ: Chúng tôi ủng hộ quyền tự vệ và phòng vệ chính đáng của Việt NamMỹ cam kết duy trì hoạt động tuần tra ở Biển ĐôngBáo Forbes: Việt Nam có chiến lược thông minh để ngăn chặn Trung Quốc ở Biển Đông

Tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc - Ảnh: Schottel

Ngày 26/8 (giờ địa phương), Bộ Quốc phòng Mỹ đã ra tuyên bố lên án việc Trung Quốc can thiệp vào các hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam ở Biển Đông. Thông cáo có tiêu đề: "Trung Quốc leo thang áp bức nhằm vào hoạt động dầu khí lâu đời của Việt Nam ở Biển Đông".

"Bộ Quốc phòng Mỹ cực kỳ quan ngại trước các nỗ lực liên tục của Trung Quốc khi vi phạm trật tự quốc tế dựa trên luật pháp ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Gần đây, Trung Quốc còn tái diễn sự can thiệp mang tính áp bức nhằm vào các hoạt động dầu khí lâu đời của Việt Nam ở Biển Đông" - Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố.

Lầu Năm Góc khẳng định hành động trên của Trung Quốc đã đi ngược lại cam kết của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore hồi tháng 6, theo đó khẳng định Bắc Kinh sẽ "theo đuổi con đường phát triển hòa bình".

Hôm 16/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho hay tàu khảo sát Hải Dương 8 và một số tàu hộ tống của Trung Quốc đã tái diễn xâm phạm vùng biển Việt Nam kể từ ngày 13/8. Nhóm tàu này trước đó đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa phía đông nam Việt Nam từ đầu tháng 7 tới ngày 7/8. 

Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác định theo các quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982. 

Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho hay Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc tái diễn vi phạm nghiêm trọng, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam theo UNCLOS 1982 và luật pháp quốc tế.

Tuần trước, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng ra tuyên bố chỉ trích việc Trung Quốc tái triển khai tàu khảo sát địa chất cùng các tàu hộ tống có vũ trang vào vùng biển ngoài khơi Việt Nam từ ngày 13/8 là "hành động leo thang của Bắc Kinh trong các nỗ lực đe dọa những bên tuyên bố chủ quyền khác trong vấn đề phát triển tài nguyên ở Biển Đông".

"Mỹ cực kỳ quan ngại việc Trung Quốc tiếp tục can thiệp vào hoạt động khai thác dầu khí lâu đời của Việt Nam bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Điều này gây ra nghi vấn nghiêm trọng về cam kết của Trung Quốc đối với việc giải quyết các tranh chấp hàng hải một cách hòa bình, gồm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)" - Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 22/8 nêu rõ.

Giàn khoan Hakuryu-5 ngoài khơi Vũng Tàu, Việt Nam trong ảnh chụp ngày 29/4/2018. Ảnh: REUTERS

Trong tuyên bố lên án Trung Quốc ngày 26/8, Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định các hành động của Bắc Kinh đã trái với tầm nhìn của Washington về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng mở và tự do, mà trong đó tất cả quốc gia lớn nhỏ đều "có an ninh trong phạm vi chủ quyền của họ, không bị áp bức và có thể theo đuổi phát triển kinh tế phù hợp với các quy định và chuẩn mực đã được quốc tế thừa nhận".

"Trung Quốc sẽ không chiếm được lòng tin của các láng giềng và cũng không nhận được sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế khi duy trì các chiến thuật bắt nạt của họ" - Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh.

Cơ quan này khẳng định những hành động của Trung Quốc nhằm bắt nạt các nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, hay việc Bắc Kinh lắp đặt các hệ thống quân sự và thực thi yêu sách hàng hải phi pháp sẽ gây ra hoài nghi nghiêm trọng về sự đáng tin của nước này.

Kết thúc thông cáo, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ nỗ lực của các đồng minh và đối tác của Washington nhằm đảm bảo tự do hàng hải và cơ hội kinh tế trên toàn khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Theo Tuoitre

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Danh sách đội tuyển Việt Nam chuẩn bị tham dự ASEAN Mitsubishi Electric Cup 2024

Ngày 18/11, huấn luyện viên trưởng Kim Sang Sik đã công bố danh sách 30 cầu thủ được triệu tập vào đội tuyển Việt Nam, chuẩn bị cho giải vô địch Đông Nam Á – ASEAN Mitsubishi Electric Cup 2024. Danh sách sẽ tiếp tục có sự bổ sung sau khi câu lạc bộ Thép Xanh Nam Định hoàn thành thi đấu tại vòng bảng AFC Champions League Two 2024/25.

Danh sách đội tuyển Việt Nam chuẩn bị tham dự ASEAN Mitsubishi Electric Cup 2024
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại APEC 2024:
Cùng nhau thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu hóa

Trong bài phát biểu bằng văn bản tại Hội nghị thượng đỉnh CEO APEC 2024, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết toàn bộ châu Á - Thái Bình Dương đan xen sâu sắc vào cấu trúc toàn cầu hóa kinh tế và hiện là một cộng đồng phụ thuộc lẫn nhau với những lợi ích chung và tương lai chung.

Cùng nhau thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu hóa
Thương mại của Trung Quốc với APEC đạt kỷ lục mới trong 10 tháng đầu năm 2024

Ghi nhận trong 10 tháng đầu năm 2024, thương mại của Trung Quốc đạt được với các nền kinh tế thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) chạm mốc cao kỷ lục, vượt 21 nghìn tỷ NDT (2,91 nghìn tỷ USD). Kết quả này đã nhấn mạnh sự hội nhập kinh tế sâu rộng và kết nối thương mại mạnh mẽ giữa các bên.

Thương mại của Trung Quốc với APEC đạt kỷ lục mới trong 10 tháng đầu năm 2024

TIN MỚI

Return to top