ClockThứ Năm, 14/03/2019 10:17

Boeing có thể mất 5 tỷ USD vì 737 Max bị ngừng bay đồng loạt

Quyết định đình chỉ hoạt động của toàn bộ máy bay dòng 737 Max có thể khiến Boeing, hãng sản xuất máy bay hàng đầu thế giới, thiệt hại hàng tỷ USD và đối mặt cuộc khủng hoảng lòng tin.

Ít nhất 45 quốc gia cấm máy bay Boeing 737 MAXKhông cấp phép, cấm Boeing 737 MAX bay trên không phận Việt NamNhững nghi ngại về độ an toàn của Boeing 737 MAX sau thảm họa ở EthiopiaSau thảm kịch hàng không Indonesia, Boeing 737 Nga chở 173 người hạ cánh khẩn cấp

 

Máy bay Boeing 737 MAX. Ảnh: AFP

Hãng sản xuất máy bay Boeing hôm qua 13/3 đã khuyến cáo Cơ quan Quản lý Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) ra quyết định tạm dừng hoạt động đối tới toàn bộ máy bay 737 MAX.

Nhiều ngày trước đó, Boeing vẫn chần chừ trong việc đưa ra quyết định dừng bay đối với 737 MAX mặc dù nhiều hãng hàng không trên toàn thế giới đã đình chỉ hoạt động sau vụ tai nạn thứ hai của dòng máy bay này trong vòng chưa đầy 5 tháng.

Theo ước tính của hãng Melius Research và Jefferies ở Phố Wall, thiệt hại của việc đình chỉ hoạt động đối với toàn bộ máy bay 737 MAX có thể rơi vào khoảng từ 1 tỷ USD đến 5 tỷ USD. Những số liệu này được đưa ra dựa trên giả thuyết rằng lệnh đình chỉ bay đối với Boeing 737 MAX 8 sẽ kéo dài 3 tháng.

Boeing khẳng định các máy bay của hãng vẫn an toàn để sử dụng, tuy nhiên điều này cũng không thể xoa dịu tâm lý lo lắng của các nhà đầu tư. Giá cổ phiếu của Boeing đã sụt 12% trong tuần này, khiến gần 27 tỷ USD giá thị trường của hãng bị bốc hơi.

Hãng tin NPR dẫn nhận định của giới phân tích cho rằng lệnh hoãn bay kéo dài đối với 737 MAX có thể khiến Boeing mất hàng tỷ USD doanh thu. Đối với các hãng hàng không sử dụng 370 chiếc Boeing 737 MAX trên toàn thế giới, từ chi phí đổi chuyến bay tới hoàn tiền cho khách hàng, từ chi phí đỗ máy bay tới lương trả cho phi hành đoàn nhàn rỗi, tổng số tiền thiệt hại từ việc đình chỉ bay cũng không nhỏ.

“Thực trạng này sẽ tiêu tốn hàng triệu USD mỗi ngày”, Phil Seymour, người điều hành một hãng tư vấn hàng không có tên gọi IBA, cho biết.

Mặc dù Boeing đã bán 737 MAX cho các hãng hàng không, song không chỉ các hãng hàng không mà cả Boeing cũng phải gánh một phần chi phí thiệt hại.

“Thông thường, sau khi hãng hàng không nhận máy bay, Boeing cũng phải đưa ra đảm bảo về sự vận hành của máy bay đó và một trong những điều Boeing cần đảm bảo là máy bay đó phải hoạt động ổn định. Nếu không, các hãng hàng không sẽ yêu cầu (Boeing) bồi thường”, nhà phân tích Chris Higgins cho biết.

Theo đài CNN, một trong những thiệt hại lớn hơn của Boeing có lẽ là việc Boeing phải bồi thường cho các hãng hàng không đang sở hữu 370 chiếc MAX 737 bị đình chỉ trên toàn thế giới. Boeing chắc chắn sẽ phải vào cuộc vì hãng cần giữ mối quan hệ tốt đẹp với các khách hàng của mình vì họ không chỉ mua máy bay của Boeing một lần.

Những quốc gia thông báo ngừng bay đối với Boeing 737 MAX 8. Ảnh: Marketwatch

Giám đốc điều hành của Norwegian Airlines (Na Uy) ngày 13/3 thông báo sẽ gửi hóa đơn cho Boeing về thiệt hại mà hãng hàng không này phải gánh chịu khi ngừng sử dụng 18 chiếc Boeing 737 MAX.

Hiện chưa rõ số tiền bồi thường mà Boeing phải chi trả cho sự cố của 737 MAX 8 lần này là bao nhiêu. Trong lần đình chỉ bay đối với dòng 787 Dreamliner cách đây 6 năm, Boeing không tiết lộ số tiền bồi thường mà hãng phải trả. Tuy nhiên, nhà phân tích Higgins cho biết con số ước tính vào thời điểm đó khoảng “500 triệu USD”.

Một thiệt hại khác mà Boeing có thể phải đối mặt liên quan tới các hợp đồng mua bán máy bay trong tương lai.

Trước khi xảy ra thảm kịch tại Ethiopia, Boeing cho biết hãng đã nhận được hơn 5.000 đơn hàng đặt mua MAX 737, dòng máy bay tiết kiệm nhiên liệu, từ hơn 100 khách hàng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, các hãng hàng không có thể sẽ xem xét hủy bỏ hoặc tạm hoãn kế hoạch này.

Nếu các hợp đồng mua bán máy bay bị ảnh hưởng, Boeing không chỉ là bên duy nhất chịu thiệt hại. Boeing trên danh nghĩa là hãng sản xuất máy bay 737 MAX, tuy nhiên các công ty khác cũng tham gia vào quy trình này. Họ sản xuất động cơ, ghế ngồi, thân máy bay hay các phụ tùng khác.

“70-80% máy bay được sản xuất theo chuỗi cung ứng, chứ không chỉ riêng Boeing. Có hàng nghìn việc làm và hàng trăm công ty cung ứng cho dây chuyền lắp ráp cuối cùng của Boeing”, nhà phân tích Higgins cho biết.

Do vậy, tác động của lệnh đình chỉ bay Boeing 737 MAX có thể sẽ không chỉ dừng lại ở Mỹ, mà còn lan ra toàn thế giới.

Boeing có thể tự xoay xở?

Các nhân viên cứu hộ mang thi thể một nạn nhân tại hiện trường vụ rơi máy bay của Ethiopian Airlines. Ảnh: Reuters

Thông báo của Boeing hôm qua không nói rõ liệu việc đình chỉ hoạt động của 737 MAX có ảnh hưởng tới kế hoạch sản xuất máy bay hiện thời của hãng hay không. Tuy nhiên, nhiều khả năng Boeing vẫn tiếp tục sản xuất các máy bay 737 MAX như lộ trình ban đầu.

Chi phí của việc dừng bay đối với toàn bộ dòng 737 MAX và tạm dừng bàn giao máy bay mới cho tới tháng 4 có lẽ không đáng kể với quy mô của một công ty như Boeing, đặc biệt nếu Boeing không bị mất đi bất kỳ hợp đồng mua bán máy bay nào trong dài hạn.

Boeing được cho là có thể xoay xở mức thiệt hại trên. Nhà sản xuất máy bay hàng đầu thế giới từng xác nhận doanh thu kỷ lục lên tới 101 tỷ USD trong năm 2018 với lợi nhuận đạt 10,6 tỷ USD. Boeing từng dự đoán mức doanh thu và lợi nhuận thậm chí còn cao hơn trong năm 2019.

Trước đây, Boeing đã từng tạm dừng hoạt động toàn bộ một dòng máy bay. Năm 2013, Boeing đề nghị các hãng hàng không dừng bay dòng 787 Dreamliner vì pin của các máy bay thuộc dòng này có hiện tượng bắt lửa.

Trong khi Boeing đang tìm giải pháp cho vấn đề trên, hãng vẫn tiếp tục sản xuất các máy bay 787. Tuy nhiên vào thời điểm đó chỉ có 50 chiếc Dreamliner được vận hành, do vậy Boeing cho biết chi phí thiệt hại với hãng là “rất nhỏ”.

Một vấn đề Boeing có thể sẽ phải đối mặt sau sự cố rơi máy bay tại Ethiopia gần đây là khủng hoảng lòng tin. Việc hai chiếc Boeing 737 MAX 8 rơi cách nhau chỉ vài tháng khiến hơn 300 người thiệt mạng chắc chắn sẽ đặt ra những nghi vấn về chất lượng của dòng máy bay này. Cả hai máy bay đều gặp nạn sau khi cất cánh chỉ vài phút.

Cơ quan quản lý hàng không liên bang Mỹ (FAA) đã xác định những điểm tương đồng trong hai thảm kịch rơi máy bay của Ethiopian Airlines và Lion Air, dựa trên dữ liệu vệ tinh và bằng chứng mới từ hiện trường vụ tai nạn máy bay Ethiopian Airlines. 

Mỹ là một trong những quốc gia mới nhất quyết định ngừng hoạt động đối với Boeing 737 MAX 8. Trước đó, trong chưa đầy một tuần, hàng loạt quốc gia cũng tuyên bố ngừng bay hoặc đóng cửa không phận đối với 737 MAX. Điều này phần nào cho thấy sự mất niềm tin của cộng đồng quốc tế đối với dòng máy bay bán chạy nhất của Boeing.

Theo Dantri

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thế giới đã tổn thất 2 nghìn tỷ USD do thời tiết khắc nghiệt

Tờ The Guardian ngày 11/11 trích dẫn kết quả một nghiên cứu mới cho hay, thời tiết khắc nghiệt đã gây thiệt hại cho thế giới 2 nghìn tỷ USD trong thập kỷ qua. Nghiên cứu đã thực hiện phân tích 4.000 sự kiện thời tiết khắc nghiệt liên quan đến khí hậu, từ lũ quét cho đến những đợt hạn hán kéo dài.

Thế giới đã tổn thất 2 nghìn tỷ USD do thời tiết khắc nghiệt
Biến đổi khí hậu có thể khiến GDP toàn cầu năm 2050 giảm gần 20%

Một nghiên cứu do chính phủ Đức hỗ trợ cho thấy đến giữa thế kỷ này, thiệt hại đối với nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, năng suất và sức khỏe con người do biến đổi khí hậu ước tính có thể lên đến khoảng 38.000 tỷ USD/năm, tức gần 1/5 GDP toàn cầu, bất kể nhân loại có cắt giảm khí carbon gây ô nhiễm mạnh mẽ đến đâu.

Biến đổi khí hậu có thể khiến GDP toàn cầu năm 2050 giảm gần 20
Philippines nhận được cam kết đầu tư 5 tỷ USD từ các công ty Đức, Mỹ

Trong tuần này, Philippines đã nhận được các cam kết đầu tư trị giá khoảng 5 tỷ USD từ các công ty Đức và Mỹ vào các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe và năng lượng. Đây có thể được xem là những chiến thắng lớn cho đất nước khi cạnh tranh với các quốc gia khác trong khu vực về vốn nước ngoài.

Philippines nhận được cam kết đầu tư 5 tỷ USD từ các công ty Đức, Mỹ
Return to top