|
Cảnh sát và người biểu tình phản đối người tị nạn tại biên giới Đan Mạch-Đức. Ảnh: AFP
|
"Cảnh sát ở Copenhagen thu giữ khoảng 79.600 kroner (tương đương 10.700 euro, hay 11.900 USD) từ 5 người nước ngoài đang cố gắng nhập cảnh bằng giấy tờ giả", cảnh sát Đan Mạch cho biết trong một tuyên bố.
Số tiền bị tịch thu nói trên là của 2 người đàn ông và 3 người phụ nữ bị bắt vào đêm 28/6 tại sân bay Copenhagen, những người này cũng bị giam giữ vì sử dụng giấy tờ giả.
Cảnh sát nói thêm rằng, 5 người bị bắt đã xin được tị nạn ở Đan Mạch, trường hợp của họ vẫn đang được xem xét.
Vào cuối tháng 1 vừa qua, các nhà lập pháp của Đan Mạch đã thông qua một đề xuất gây tranh cãi, cho phép tịch thu tài sản của người tị nạn với mục đích giúp họ trang trải chi phí ăn ở trong nước.
Dự luật này được coi là nỗ lực mới nhất của Chính phủ Đan Mạch để kiềm chế dòng chảy của những người tị nạn vào nước này.
Theo đó, dự luật cho phép cảnh sát tịch thu tài sản có trị giá hơn 10.000 DKK (khoảng 1.450 USD) từ những người tị nạn trong lúc đơn xin tị nạn của họ đang được tiến hành xử lý. Dự luật cũng bao gồm các biện pháp như trì hoãn việc đoàn tụ gia đình của người tị nạn ít nhất là 3 năm.
Đề nghị tranh cãi này phải đối mặt với những lời chỉ trích rộng rãi cả trong lẫn ngoài nước khi được công bố hồi đầu tháng 6.
Tuy nhiên, Đan Mạch không phải là nước châu Âu đầu tiên cho phép tịch thu tài sản của người tị nạn. Trước đó, Thụy Sĩ cũng đối mặt với những lời chỉ trích khi tịch thu tài sản từ khoảng 100 người tị nạn trong năm 2015. Theo quy định của Thụy Sĩ, những người tị nạn phải giao nộp số tài sản trên 1.000 USD.
Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) cảnh báo rằng, đề xuất này vi phạm Công ước về người tị nạn của Liên Hiệp Quốc và Công ước châu Âu về Nhân quyền.
Được biết, châu Âu đang đối mặt với một làn sóng chưa từng thấy của những người tị nạn chạy trốn khỏi các vùng xung đột ở châu Phi và Trung Đông, nhất là ở Syria.
Hơn 214.860 người tị nạn đã đến châu Âu qua Địa Trung Hải trong năm nay, trong khi 2.860 người chết hoặc mất tích trong hành trình nguy hiểm của họ, theo số liệu mới nhất của Tổ chức Di cư Quốc tế.
Lê Thảo (Lược dịch từ PressTV & Gulfnews)