ClockChủ Nhật, 21/07/2019 16:13

Chuyện đến trường của những đứa trẻ vùng chiến sự

TTH.VN - Thủy tinh vỡ. Gạch đá vụn vương vãi khắp nơi. Tường bị bắn thủng lỗ chỗ. Những căn phòng này không có chỗ cho một đứa trẻ. Chúng đã từng là những lớp học, nhưng giờ đây chỉ còn lại những đống đổ nát….

Clooney giúp 3.000 trẻ em tị nạn Syria đến trườngUNICEF: 1/4 trẻ em trong độ tuổi đi học đang sống ở các nước bị khủng hoảngSyria: Một thế hệ đầy mất mát, không biết gì ngoài chiến tranh24 triệu trẻ em trên thế giới thất học bởi chiến tranh

Trên khắp thế giới, các cuộc tấn công vào trẻ em tiếp tục không suy giảm, khi các bên tham chiến đều coi thường một trong những quy tắc cơ bản nhất của chiến tranh: bảo vệ trẻ em. Trẻ em sống ở các nước có chiến sự bị tấn công trực tiếp, bị sử dụng như những lá chắn sống, bị giết, bị thương hoặc bị tuyển dụng để tham chiến. Kết quả là, hàng triệu trẻ em đang bị cướp đi nơi an toàn để học tập và vui chơi với bạn bè. Không có sự giúp đỡ, nhiều đứa trẻ trong số đó cũng sẽ bị cướp mất tương lai.

Hàng triệu trẻ em trên khắp thế giới đang bị khước từ quyền được có “một nơi an toàn để học tập”, do các cuộc xung đột đang diễn ra.

UNICEF

Xung đột ở Afghanistan, Nigeria hay Ukraine… đã khiến cơ sở hạ tầng vật chất của nhiều trường học bị phá huỷ và làm tê liệt hệ thống giáo dục. Dẫu vậy, vẫn có những thiếu niên đang từng ngày gìn giữ ước mơ cho một tương lai tốt đẹp hơn, được sống sót và được đến trường.

“Trường học của chúng tôi đã bị đốt cháy và phá hủy”: Kayenat, Afghanistan

Hai năm trước, gia đình Kayenat chạy trốn cuộc chiến dữ dội ở quận Shinwar của tỉnh Nangarhar, miền đông Afghanistan. “Trường học của chúng tôi đã bị đốt cháy và phá hủy”, Kayenat nhớ lại. Từ lúc đó, Kayenat không được đi học nữa.

Chuyện của Kayenat là một câu chuyện quen thuộc ở một đất nước mà cho dù đã có tiến bộ trong việc tiếp cận giáo dục trong thập kỷ qua thì các bé gái và trẻ em khuyết tật vẫn rất dễ bị tổn thương. Khoảng 60% trẻ em không được đi học ở Afghanistan là trẻ em gái.

Đối mặt với sự lựa chọn khó khăn giữa việc học của con cái và sự an toàn của chúng, cha Kayenat quyết định đưa gia đình rời quê hương đến Jalalabad, thủ phủ của tỉnh. Nhưng ngay cả khi tình hình ngày càng trở nên vô vọng, Kayenat vẫn nuôi ước mơ một ngày nào đó sẽ quay trở lại trường học.

Sau đó, Kayenat đăng ký vào một lớp học tạm do UNICEF thành lập, từ đó Kayenat thấy có hy vọng nhiều hơn về tương lai của mình. Điều gì là yếu tố quan trọng nhất cho sự nghiệp trong tương lai? Đối với Kayenat, đó là tìm được một công việc cho phép Kayenat hỗ trợ anh chị em mình.

“Tôi muốn trở thành một giáo viên mẫu giáo”: Diana, Ukraine

Diana, 14 tuổi, sống ở khu vực Donetsk của Ukraine. Nhà của Diana ở gần đường ranh giới phân chia khu vực chính phủ và phi chính phủ và là nơi giao tranh ác liệt nhất. Để đến trường, hoặc chỉ để đến cửa hàng địa phương, Diana phải đi qua một trạm kiểm soát với rất nhiều nguy hiểm. Hằng ngày, Diana phải thức dậy từ lúc 5h30 sáng và vượt qua chặng đường 2 tiếng đồng hồ để đi học.

Đối với những đứa trẻ như Diana sống trong hoặc gần khu vực xung đột, mối đe dọa bị trúng đạn luôn hiển hiện trong suốt hành trình đến trường mỗi ngày. Nhưng điều đó không ngăn cản được Diana ước mơ về những việc muốn làm sau khi tốt nghiệp. “Tôi muốn trở thành một giáo viên mẫu giáo. Tôi thích chăm sóc trẻ em. Tôi rất hợp với chúng”, Diana chia sẻ.

“Tôi muốn làm thợ mỏ”: Yura, Ukraine

Giống như Diana, Yura sống ở thị trấn Novotoshkivske, và cậu bé cũng đã lên kế hoạch cho tương lai của mình. “Tôi muốn trở thành một người thợ mỏ”, cậu bé nói.

Nhưng cũng như Diana, Yura đã chứng kiến và nghe nói về những hậu quả tàn khốc mà cuộc xung đột gây ra đối với giáo dục ở miền đông Ukraine. Hơn 4 năm trước, trường của Yura bị trúng đạn pháo, cả khu trường đã bị xóa sổ… chỉ vì những “trò chơi” của người lớn. Giờ đây, Yura đang phải vật lộn để có thể biến ước mơ thành sự thật.

“Tôi cảm thấy như không bao giờ có thể đạt được ước mơ”: Bintu, Nigeria

Bintu sống ở thị trấn Banki, đông bắc Nigeria. Chiến tranh đã tàn phá nhiều cơ sở hạ tầng ở Banki. Vùng ngoại ô của thị trấn bị bỏ hoang vì quá nguy hiểm cho người dân sống ở đó.

Nhớ lại 4 năm trước, ngày mà cuộc sống bắt đầu bị đảo lộn, Bintu cho biết: “Tôi đã đi học trước khi cuộc xung đột bắt đầu, nhưng rồi quân nổi dậy kéo đến, khiến gia đình tôi và mọi người phải bỏ chạy. Trường học đã bị đốt cháy. Tôi đã rất buồn, và cảm thấy như không bao giờ có thể đạt được ước mơ của mình...”

Hai năm tiếp theo, Bintu sống với người chú ở Cameroon nhưng không thể đi học vì cuộc sống ở đó rất khó khăn. Tuy nhiên, khoảng một năm trước, Bintu có cơ hội được mơ ước một lần nữa khi trở về quê nhà và đăng ký vào học ở một ngôi trường mới được xây dựng lại ở Banki.

“Tôi rất vui khi được trở lại trường bởi vì tôi sẽ có thể được tiếp cận với giáo dục. Và tôi sẽ học được những điều mới mẻ”, Bintu lạc quan.

“Nếu tôi không quay lại giảng dạy thì ai sẽ làm điều đó?”: Hawa, Nigeria

Giống như Bintu, Hawa cũng sống ở phía đông bắc Nigeria. Và cũng như Bintu, cô hiểu rõ hơn ai hết về mối liên hệ giữa giáo dục với một tương lai nhiều hy vọng hơn.

Hawa trốn khỏi quê hương Gwoza dưới chân dãy núi Mandara khi bị phiến quân bắt giữ năm 2014. Cô trở về khi Gwoza được quân đội Nigeria giành lại một năm sau đó, nhưng trong khoảng thời gian ngắn đó, bạo lực đã tàn phá thế giới của cô. Hawa mất cha, mất trường học và trong một khoảng thời gian, cô mất luôn cả hy vọng về tương lai.

Tuy nhiên đến nay, tình hình đã có chút lạc quan hơn. Hawa vẫn không biết chuyện gì đã xảy ra với một số người bạn của mình và trong khi cuộc sống của những người trở về vẫn bấp bênh, nhưng giờ đây họ đã được tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ, bao gồm cả giáo dục. Ngôi trường địa phương đã được xây dựng lại, các lớp học mới đang được hình thành và không gian một lần nữa tràn ngập tiếng nói cười của những người trẻ tuổi.

Đối với Hawa, tất cả điều này như một cơ hội mới trở lại.

Hiện Hawa có thể giúp các anh chị em của mình làm bài tập về nhà. “Nếu tôi học, thì những đứa trẻ trong cộng đồng cũng vậy”, Hawa cho biết.

Sau cùng, Hawa muốn trở thành một giáo viên, để những đứa trẻ khác có thể có cơ hội như cô đã có. “Tôi đam mê việc dạy dỗ nhờ cách mà các giáo viên đã dạy tôi. Và nếu tôi không quay lại giảng dạy thì ai sẽ làm điều đó?”, Hawa nhấn mạnh.

Năm 2015, Tuyên bố Trường học An toàn được phát triển thông qua tham vấn với các quốc gia trong một quá trình do Na Uy và Argentina lãnh đạo tại Geneva, là một cam kết chính trị liên chính phủ để có thể bảo vệ tốt hơn cho học sinh, giáo viên, các trường học và trường đại học trong chiến tranh và cho phép những người trẻ tuổi được tiếp tục theo đuổi việc học.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ UNICEF & UN)  

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điểm lại các kế hoạch hoà bình cho xung đột Nga – Ukraine

Khi phiên họp thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc (UNGA) sắp kết thúc vào tuần trước, Trung Quốc và Brazil đã tổ chức một cuộc họp bên lề với sự tham dự của 17 thành viên. Mục đích của cuộc họp kín ngày 27/9 là tập hợp sự ủng hộ cho kế hoạch hòa bình về xung đột Ukraine.

Điểm lại các kế hoạch hoà bình cho xung đột Nga – Ukraine
Ngày Nhà giáo Thế giới (5/10):
Đã đến lúc cải cách khủng hoảng giáo dục hiện nay

Từ lễ Wai kru ở Thái Lan đến các sự kiện tri ân ở Lào và Campuchia, tất cả các nước ASEAN đều dành riêng một ngày đặc biệt để học sinh vinh danh giáo viên bằng hoa, điệu múa truyền thống và cử chỉ tôn trọng.

Đã đến lúc cải cách khủng hoảng giáo dục hiện nay
UNICEF: 6 triệu trẻ em ở Đông Nam Á bị ảnh hưởng bởi bão Yagi

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) hôm nay (18/9) cho biết lũ lụt và lở đất chết người do bão Yagi gây ra đã ảnh hưởng đến khoảng 6 triệu trẻ em trên khắp Đông Nam Á, trong khi số người thiệt mạng vì thảm họa này vẫn đang tiếp tục tăng lên.

UNICEF 6 triệu trẻ em ở Đông Nam Á bị ảnh hưởng bởi bão Yagi
Return to top