ClockThứ Tư, 07/06/2017 13:37

Cộng đồng quốc tế kêu gọi Qatar và các nước láng giềng giảm căng thẳng

Thêm một loạt quốc gia Arab tuyên bố cắt đứt quan hệ hoặc hạ cấp quan hệ với Qatar.

Qatar bị cáo buộc hỗ trợ các nhóm khủng bố và can thiệp vào công việc nội bộ các nước trong khu vực. Nhà chức trách Qatar đã có những tuyên bố xoa dịu trong khi cộng đồng quốc tế kêu gọi các bên giảm căng thẳng.

Saudi Arabia đã cấm các chuyến bay đi và đến từ Qatar. Ảnh: AFP

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói với Thái tử Tiểu vương Abu Dhabi (Các tiểu vương quốc Arab thống nhất) Sheikh Mohammed bin Zayed al-Nahyan rằng ông rất lo ngại về tình hình căng thẳng leo thang tại vùng Vịnh và Pháp sẽ không “nhân nhượng” trong cuộc chiến chống khủng bố.

Ông Macron cho rằng, điều quan trọng là cần bảo toàn sự ổn định ở Vùng Vịnh, và Pháp ủng hộ mọi sáng kiến làm giảm căng thẳng giữa Qatar và các nước láng giềng Arab. Trước đó, Tổng thống Pháp Macron cũng trao đổi qua điện thoại với quốc vương Qatar Hamad al-Thani và Tổng thống Thổ Nhĩ  Kỳ về rạn nứt giữa các nước vùng Vịnh.

Người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer trong cuộc họp báo ngày 6/6 cũng tuyên bố, trong cuộc khủng hoảng giữa Qatar và các nước Arab, Mỹ giữ liên lạc với tất cả các bên ở Trung Đông để giải quyết vấn đề và khôi phục mối quan hệ hợp tác.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc liệu chính phủ Mỹ có khuyến khích “sự rạn nứt” giữa Qatar và các cường quốc Arab hay không, người phát ngôn chính phủ Mỹ Sean Spicer cho rằng, cuộc tranh chấp này không mới, đã một vài lần xảy ra căng thẳng giữa Qatar và các nước láng giềng.

“Tình hình đã được thông báo qua các kênh ngọai giao. Mỹ tiếp tục liên lạc với các bên để giải quyết vấn đề và khôi phục sự hợp tác bởi điều này rất quan trọng cho an ninh khu vực. Tôi nghĩ Tổng thống Mỹ đã có thông điệp cứng rắn về tài trợ cho khủng bố và chủ nghĩa cực đoan, được các nước trong khu vực lưu ý” – ông Spicer nêu rõ.

Chính phủ Iraq tuyên bố không đứng về bất cứ bên nào trong cuộc tranh chấp giữa các nước Arab vùng Vịnh với Qatar.

Tại cuộc họp báo ngày 6/6 ở Baghdad, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi không bình luận về một số tin tức báo chí nói rằng, một trong các yếu tố gây ra cuộc khủng hoảng hiện nay giữa Qatar với các nước Arab là hồi tháng 4, Qatar đã cấp tài chính cho các nhóm vũ trang người Shi’ite được Iran hậu thuẫn ở Iraq. Một loạt nước Arab tuyên bố cắt đứt quan hệ với Qatar với cáo buộc Qatar hậu thuẫn Iran và các nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan.

Chính phủ Jordan quyết định hạ cấp quan hệ ngoại giao với Qatar, đồng thời thu hồi giấy phép của kênh truyền hình Qatar Al Jazeera phát sóng tại nước này. Chính phủ Jordan cho rằng các quyết định vừa nêu là một phần trong chiến lược của Jordan nhằm bảo vệ sự ổn định trong khu vực và hi vọng các bên sẽ sớm vượt qua được giai đoạn khó khăn này.

Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho rằng cô lập Qatar, kể cả sử dụng lệnh trừng phạt sẽ không giải quyết vấn đề, đồng thời khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cố gắng trong quyền hạn của mình để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng.

“Chúng tôi lấy làm tiếc về tình hình hiện nay và sẽ ủng hộ mọi nỗ lực đi đến bình thường hóa quan hệ. Chúng tôi đã thảo luận vấn đề này trong các cuộc gặp song phương. Đức cũng đã chia sẻ quan điểm này” - Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu nói.

Tổng thống Nga Putin cũng ra tuyên bố kêu gọi các bên cần đối thoại và nhượng bộ lẫn nhau.

Về phần mình, khi các biện pháp cấm cửa hàng không vào Qatar bắt đầu có hiệu lực, chính quyền Qatar đã có dấu hiệu xuống nước khi kêu gọi “đối thoại mở và chân thành” với các nước đã quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao lẫn kinh tế với nước này.

Bộ trưởng Ngoại giao Qatar Mohammed bin Abdulrahman al-Thani cho biết Qatar sẵn sàng đối thoại để giải quyết cuộc khủng hoảng, bày tỏ tin tưởng vào cách giải quyết bằng con đường ngoại giao và Qatar cũng muốn tham gia chống khủng bố. Qatar đã đồng ý để Kuwait làm trung gian hòa giải những bất đồng hiện nay.

Kuwait cũng từng giữ trọng trách hòa giải các quốc gia vùng Vịnh trong thời kỳ rạn nứt hồi năm 2014. Phái viên của Quốc vương Kuwait đã lên đường đến Saudi Arabia để thương thảo với quốc gia đang dẫn đầu phe cô lập Qatar hiện nay.

Giới quan sát cho rằng Qatar tuy là quốc gia nhỏ bé nhưng nằm ở vị trí chiến lược ở vùng Vịnh và đóng vai trò quan trọng trong các vấn đề chính trị khu vực, do đó việc sớm giải quyết căng thẳng sẽ có lợi cho tất cả các bên.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tình nghĩa láng giềng

Mang tặng cho nhau một mớ rau, một trái khế, trái đu đủ trồng trong vườn nhà, hay một chén chè vừa được nấu xong... là “sợi dây” vô hình thắt chặt tình nghĩa láng giềng nơi chốn đô thị.

Tình nghĩa láng giềng
Công dân Việt Nam tại Trung Đông vẫn an toàn

Ngày 14/4, theo thông tin của Đại sứ quán Việt Nam tại Israel và Đại sứ quán Việt Nam tại Iran, căng thẳng leo thang giữa Israel - Iran trong những ngày qua diễn biến phức tạp, tiếp tục leo thang.

Công dân Việt Nam tại Trung Đông vẫn an toàn
Return to top