|
Hàng xóm nhau tặng nhau quả đu đủ trồng trong vườn nhà vừa chín |
Một ngày cuối tuần, khi sắp đến giờ cơm trưa, bà Trần Thị Vòng mang vội sang cho bà Nguyễn Thị Hoa (phường Đông Ba, TP. Huế) một trái đu đủ trong vườn vừa mới chín. Bà Vòng chuyển đến ở cùng người con trai được mấy năm, trước đây bà sống tại xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc. Từ khi chuyển đến, tận dụng khoảng đất trống sau nhà, bà Vòng trồng một cây đu đủ và ít hoa màu. Cây phát triển nhanh và cho nhiều trái. Khi đu đủ chín, thay vì để dành để ăn dần thì bà quyết định mang cho hàng xóm. Bà Hoa là một trong những nhà được bà Vòng mang đu đủ sang biếu.
Từ đó, hai người lớn gần bằng tuổi nhau trở thành bạn bè thân. Cứ khi nào rảnh rỗi hai bà lại đến nhà nhau để trò chuyện. Chiều về lại rủ nhau đi thể dục. Có gì ngon hai bà cũng chia sẻ cho nhau. Lần nào đi chợ, có mớ rau ngon, là hai bà đều nghĩ đến người còn lại và luôn mua gấp đôi để tặng hàng xóm của mình.
Ở thành phố thường sẽ bận rộn, nên sau giờ làm việc ai cũng muốn đóng cửa để nghỉ ngơi. Nhưng với chị Hương, sau những giờ làm việc, tham gia làm vườn, chăm sóc cây cối, rồi thu hoạch được gì đó tặng hàng xóm láng giềng luôn tạo cho chị cảm giác ý nghĩa. Hay những lúc rảnh, thay vì xem ti vi, chị lại chọn sang nhà hàng xóm để cùng trò chuyện, hỏi thăm công việc, sức khỏe. Những lúc đó, thấy mình được chia sẻ, thấy thoải mái và quên đi căng thẳng.
Nghiên cứu của một giảng viên Trường Du lịch - Đại học Huế mới đây cho thấy, tại khu vực 4 phường nội thành thuộc TP. Huế, gồm Thuận Hòa, Thuận Lộc, Tây Lộc và Đông Ba, sự gắn bó của những người dân với nhau và người dân với điểm đến được thể hiện qua các khía cạnh, như bản sắc, tình cảm; sự kết nối gia đình, bạn bè, hàng xóm láng giềng. Bên cạnh đó, người dân phát triển sự gắn bó tích cực với nhau về cảm xúc, tình cảm ngày càng đậm nét hơn. Điều này tạo ra một môi trường sống, mà theo nhiều người họ không muốn thay đổi môi trường sinh sống khác.
Bên cạnh đó, qua khảo sát xã hội học của nghiên cứu trên cũng cho thấy, sự kết nối giữa mỗi người dân đang sinh sống ở Huế không đơn thuần chỉ là sự gắn bó giữa từng cá nhân với gia đình và bạn bè, mà còn là cuộc sống cộng đồng, xã hội. Thông qua những sinh hoạt cộng đồng chung, như tập thể dục, làm vệ sinh chung, hay hoạt động cúng xóm… giúp người dân gặp gỡ, hiểu nhau nhiều hơn và cởi mở hơn về các mối quan hệ láng giềng.
TS. Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế cho rằng, trong cuộc sống của người Huế nói riêng và Việt Nam nói chung luôn được gắn kết bằng cộng đồng huyết thống, tức là theo dòng họ gia đình và gắn kết bằng cộng đồng cận cư, tức là tình nghĩa xóm giềng. Mối quan hệ huyết thống sẽ nặng về cái tình, còn mối quan hệ xóm giềng bên ngoài sẽ nặng về cái nghĩa.
"Lối sống gắn kết cộng đồng láng giềng với nhau luôn là nét văn hóa đặc sắc, cần được gìn giữ. Không nên vì đô thị hóa mà làm mất nét văn hóa đó. Tín hiệu đáng mừng của Huế là không chỉ những khu dân cư cũ, mà ở những khu đô thị mới, hiện đại vẫn đưa yếu tố gắn kết cận cư vào đời sống sinh hoạt rất đẹp, chứ không chỉ “kín cổng cao tường”. Tại những khu đô thị này, vẫn duy trì được sự gắn kết cộng đồng thông qua những sinh hoạt chung", TS. Trần Đình Hằng chia sẻ.