Đặc phái viên LHQ về vấn đề Yemen Ismail Ould Cheikh Ahmed (giữa) tại cuộc đàm phán hòa bình Yemen ở Kuwait City, Kuwait ngày 17/7. Nguồn: AFP
Thông báo nêu rõ, Kuwait theo đề nghị của Liên hợp quốc tiếp tục chủ trì các cuộc đàm phán đến ngày 7/8 tới. Việc kéo dài đàm phán được quyết định do có "những diễn biến tích cực" giữa các bên thương lượng trong hai tuần qua.
Các nguồn tin thân cận với Ngoại trưởng Yemen Abdul-Malik Mekhlafi dẫn đầu phái đoàn chính phủ tham gia đàm phán tại Kuwait xác nhận đã đồng ý tiếp tục đàm phán với phiến quân Houthi thêm một tuần nữa.
Trước đó cùng ngày, Đặc phái viên của Liên hợp quốc về vấn đề Yemen Ismail Ould Cheikh Ahmed đã có các cuộc gặp với các bên xung đột, kêu gọi tiếp tục theo đuổi đàm phán hòa bình và thương lượng thêm một tuần nữa tại Kuwait, sau khi phái đoàn chính phủ Yemen tuyên bố sẽ từ bỏ các cuộc đàm phán với phiến quân Houthi.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ông Ahmed đã đưa ra đề xuất tạo một "khuôn khổ để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Yemen," nhưng không nói rõ thêm chi tiết.
Yemen rơi vào hỗn loạn kể từ khi phiến quân Houthi được sự hậu thuẫn của lực lượng trung thành với Tổng thống bị lật đổ Ali Abdullah Saleh chiếm giữ thủ đô Sanaa hồi tháng 9/2014, sau đó tiến xuống miền Nam và kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ Yemen, buộc Tổng thống đương nhiệm Abd-Rabbu Mansour Hadi phải sang lưu vong tại Saudi Arabia.
Saudi Arabia dẫn đầu một liên minh quân sự khu vực đã tiến hành chiến dịch chống Houthi và các lực lượng của ông Saleh từ tháng 3/2015 để ủng hộ chính phủ của Tổng thống Yemen Hadi.
Các cuộc đàm phán do Liên hợp quốc bảo trợ nhằm chấm dứt xung đột tại Yemen đã được tiến hành tại Kuwait từ tháng 4 vừa qua, song các bên tham gia thương lượng không tìm được tiếng nói chung trong các vấn đề then chốt. Hầu hết các cuộc thảo luận tập trung vào việc thành lập một chính phủ trong giai đoạn chuyển tiếp tại Yemen, tuy nhiên các bên bất đồng trong việc lựa chọn thành phần và cơ cấu của chính phủ chuyển tiếp.
Ngày 28/7 vừa qua, phiến quân Houthi cùng đồng minh là Đảng Đại hội Nhân dân toàn quốc (GPC) của cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh công bố thành lập một "Hội đồng chính trị tối cao" chung của hai lực lượng này để điều hành đất nước.
Chính phủ Yemen coi động thái trên là "một cuộc đảo chính mới" và phái đoàn chính phủ tuyên bố sẽ rời khỏi bàn thương lượng tại Kuwait sau ngày 31/7. Người phát ngôn phái đoàn chính phủ Mohammad Al mrani nêu rõ "không thể tiếp tục đàm phán sau cuộc đảo chính mới."
Trong một tuyên bố riêng rẽ, Hội đồng vùng Vịnh Hợp tác (GCC) và các đại sứ của 18 quốc gia ủng hộ hòa bình ở Yemen cũng đã kêu gọi nối lại đàm phán hòa bình và lên án việc thành lập hội đồng nói trên của lực lượng Houthi cùng GPC.
Cùng ngày 30/7, 1 sỹ quan quân đội và 6 binh sỹ Saudi Arabia đã thiệt mạng trong các cuộc xung đột với phiến quân Houthi tại khu vực biên giới.
Theo hãng thông tấn SPA của Saudi Arabia, xung đột xảy ra khi các tay súng Houthi với sự hỗ trợ của lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Saleh tìm cách xâm nhập khu vực biên giới Najran, miền Nam Saudi Arabia. Hàng chục tay súng Houthi đã bị tiêu diệt trong cuộc xung đột này.
Trước đó, 5 binh sỹ Saudi Arabia đã thiệt mạng một cuộc xung đột tại khu vực biên giới trên ngày 25/7./.
Theo Vietnam+