Cộng đồng người Việt sinh sống, học tập và làm việc tại nước ngoài đã tổ chức nhiều hoạt động lễ hội phong phú, đa dạng để cùng hòa chung không khí Tết Việt nơi đất khách.
|
Hai phụ nữ gốc Việt mua sắm để chuẩn bị đón Tết Bính Thân ở TP Westminster - Mỹ.Ảnh: Los Angeles Times
|
Sự kiện lớn nhất
Tại Mỹ, hàng trăm người gốc Việt có mặt ở trung tâm triển lãm TP Jacksonville, bang Florida hôm 31-1 để tham dự hội chợ Tết Việt với các gian hàng ẩm thực, chương trình văn nghệ, thời trang… Bầu không khí đón Tết Bính Thân cũng tưng bừng tại nhiều thành phố khắp bang California. Tại khu Little Saigon ở quận Cam, nơi có đông đảo người gốc Việt sinh sống, một cuộc diễu hành đón Tết cùng với âm nhạc, những chiếc xe cổ, các xe diễu hành nhiều màu sắc và tiết mục biểu diễn văn hóa sẽ diễn ra vào cuối tuần này.
Trong khi đó, chính quyền TP Fountain Valley lần đầu tiên tổ chức lễ hội Tết từ ngày 12 đến 14-2. Các nhà tổ chức còn thuê hẳn xe buýt để quảng cáo về lễ hội Tết năm nay. Số người dự kiến tham dự có thể lên đến 100.000, nhiều gấp đôi dân số địa phương.
“Chúng tôi cố gắng gặp nhau ít nhất mỗi năm một lần. Mọi người sống ở nhiều nơi khác nhau và chúng tôi không thường xuyên gặp gỡ. Chúng tôi muốn con mình hiểu về văn hóa quê hương cũng như giới thiệu với người Mỹ về truyền thống của Việt Nam” - chị Ailien Dang, chủ của một tiệm phở và cà phê ở TP Camarillo, bày tỏ.
Còn tại Úc, hội chợ Tết từ ngày 5 đến 7-2 là sự kiện lớn nhất của cộng đồng người gốc Việt ở TP Fairfield, bang New South Wales. Sự kiện này ước tính thu hút khoảng 60.000 người với hơn 100 gian hàng ẩm thực, vui chơi giải trí. Tới ngày 13-2, đến lượt người gốc Việt ở TP Wollongong cùng bang vui hội đón Tết của mình.
Đối với cộng đồng người gốc Việt tại thủ đô Ottawa - Canada, Tết cổ truyền đến sớm hơn khi hội chợ Tết Bính Thân diễn ra hôm 24-1 với sự hỗ trợ của các hội đoàn, trường học và tổ chức tôn giáo. Dù là mùa đông nhưng các gia đình vẫn cùng nhau tham gia. Từ sớm, mọi người chuẩn bị tươm tất các gian hàng ẩm thực đậm chất Việt, từ xôi chè đến bánh mứt. Ngoài ra, còn có khu đồ chơi trẻ em, khu chụp hình lưu niệm… Góp vui cho hội chợ Tết lần này còn có các tiết mục văn nghệ múa trống, múa quạt của các em học sinh gốc Việt.
Lấn sang không gian cộng đồng
Cũng như Việt Nam, một số nước châu Á rộn ràng đón Tết âm lịch, trong đó nổi bật là Trung Quốc. 62.000 chiếc lồng đèn đã tô thắm 174 con đường lớn, 27 công viên và các địa điểm tham quan, 28 khu mua sắm ở trung tâm thủ đô Bắc Kinh. Không chỉ lồng đèn, món ngon truyền thống, người dân khắp Trung Quốc còn gấp rút luyện tập những màn biểu diễn lân - sư - rồng để sẵn sàng trình diễn.
Một trung tâm thương mại ở TP Thượng Hải còn kỳ công bày hàng chục mô hình con khỉ có kích cỡ to hơn người trưởng thành, đủ màu sắc để thu hút người mua sắm. Tại Trùng Khánh, lực lượng an ninh “sáng tạo” với kiểu tuần tra trong trang phục “Tề Thiên Đại Thánh”.
Đến hẹn lại lên, dịch vụ cho thuê người yêu nở rộ ở Trung Quốc với mức giá trung bình 2.999 nhân dân tệ (gần 10,5 triệu đồng). Dù vậy, Tết đến lại khiến không ít chủ nhà hàng ở Hồng Kông thở dài ngao ngán. Chủ tịch Hiệp hội Quản lý dịch vụ ăn uống Dương Vị Tỉnh nơm nớp lo một số nhà hàng có thể phải đóng cửa vì người dân ít ra ngoài ăn, khiến doanh thu sụt giảm.
Báo The Korea Times ước tính có hơn 36 triệu người Hàn Quốc sẽ trở về quê nhà ăn Tết. Vào dịp này, các điểm tham quan du lịch như cung điện, lăng mộ hoàng gia được mở cửa thêm giờ, Viện Bảo tàng Dân gian quốc gia Hàn Quốc tại Seoul sẽ hướng dẫn trẻ em cách mặc trang phục truyền thống. Tại Đài Loan, sau đợt lạnh gần đây, ngành nông nghiệp tổn thất nặng song Cơ quan Nông nghiệp và Thực phẩm Đài Loan (AFA) khẳng định nguồn cung cấp rau quả vẫn đủ để đáp ứng nhu cầu. Còn ở Malaysia, 1.300 học sinh và giáo viên của một ngôi trường tiếng Trung tại TP Ipoh, bang Perak tham dự cuộc thi viết câu đối chào Xuân mới.
Xa quê nhà song những gia đình châu Á hiện sinh sống ở TP Auckland của New Zealand vẫn đón Tết. Bà Karen Wong, đến từ Malaysia, khẳng định: “Bữa cơm đoàn viên là bữa cơm quan trọng nhất trong năm, thời điểm mà 3 thế hệ gia đình chúng tôi tụ họp”. Giáo sư Diệp Tống Mạn Anh của Trường ĐH Auckland, vốn đến từ Hồng Kông, cho rằng Tết Nguyên đán đã một phần văn hóa của New Zealand. “Lễ Tết trước gói gọn trong không gia đình giờ đã lấn sang không gian cộng đồng và có nhiều người không phải gốc Á cũng tham dự” - bà Diệp nói.
Điều này thể hiện rõ ở TP Sydney - Úc, nơi người dân bản địa sẽ thưởng thức đến 80 sự kiện mừng năm mới do các cộng đồng người gốc Á tổ chức từ ngày 6 đến 21-2. Dự kiến hơn 600.000 người sẽ đến Sydney chiêm ngưỡng những màn trình diễn nghệ thuật chào Xuân tinh tế bên cạnh triển lãm lồng đèn và ẩm thực.
Theo Người lao động