Ảnh minh hoạ. Nguồn: Devdiscourse
Theo báo cáo Đầu tư Năng lượng Thế giới năm 2019 của IEA, chi tiêu dầu và khí đốt thượng nguồn trong năm 2018 tăng gần 4% so với năm trước đó, lên mức 477 tỷ USD do giá dầu tăng, cũng như việc chuyển đổi sang sử dụng khí đá phiến và những dự án với thời gian xây dựng ngắn hơn.
Tiếp đó, IEA dự báo, chi tiêu cho dầu và khí đốt sẽ tăng lên mức 505 tỷ USD trong năm 2019. Đầu tư vào nguồn cung than tăng 2% lên 80 tỷ USD, đánh dấu mức tăng đầu tiên kể từ năm 2012.
Trong lĩnh vực năng lượng toàn cầu, đầu tư giảm 1% xuống còn khoảng 775 tỷ USD, nhưng đây vẫn là lĩnh vực đầu tư lớn nhất do nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng. Ngoài ra, đầu tư vào hiệu quả năng lượng giữ mức ổn định, nhưng chi tiêu vào năng lượng tái tạo giảm 1% xuống còn hơn 300 tỷ USD.
Ông Fatih Birol, Giám đốc điều hành của IEA nhận định trong một tuyên bố: "Các khoản đầu tư vào năng lượng hiện phải đối mặt với những bất ổn chưa từng có, với sự thay đổi trong thị trường, chính sách và công nghệ".
"Tuy nhiên, điểm mấu chốt là thế giới đang không đầu tư đầy đủ vào các yếu tố cung cấp truyền thống để duy trì mô hình tiêu dùng hiện nay, cũng như không đầu tư đủ vào những công nghệ năng lượng sạch hơn để thay đổi hướng đi", Giám đốc điều hành của IEA nói thêm.
Đáng chú ý, đầu tư vào năng lượng carbon thấp đã tương đối ổn định ở mức khoảng 620 tỷ USD hồi năm ngoái, nhưng tăng trưởng bị đình trệ kể từ mức tăng trưởng 3% trong năm 2016.
Tỷ lệ của năng lượng carbon thấp trong tổng đầu tư năng lượng đạt gần 35%, con số này cần tăng lên 65% đến năm 2030, IEA nhấn mạnh.
Được biết, Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất đối với đầu tư năng lượng trong năm 2018, với khoảng 375 tỷ USD. Trong khi đó, đầu tư năng lượng vào Liên minh châu Âu (EU) ở mức hơn 200 tỷ USD.
Thanh Ngân (Lược dịch từ Devdiscourse)