Các container tại một bến bốc hàng tại cảng Hamburg, Đức. Ảnh: Reuters
Cụ thể, lượng xuất khẩu của nước này đã tăng 1,1% trong tháng 5, vượt qua dự báo chỉ tăng 0,5% trong một cuộc thăm dò trước đó. Trong tháng 4, các chuyến hàng xuất đi nước ngoài của Đức đã giảm đến 3,4%. Trong khi đó, nhập khẩu giảm 0,5% trong tháng 5, dẫn đến kết quả cuối cùng là sự gia tăng trong cán cân thương mại lên 18,7 tỷ euro (20,99 tỷ USD) từ mức 16,9 tỷ của một tháng trước đó.
Thực tế, các dữ liệu gần đây khác đang vẽ nên một bức tranh ảm đạm của ngành công nghiệp Đức, với sự suy giảm các đơn đặt hàng kỹ thuật và các hợp đồng sản xuất. Một nguồn dữ kiệu khác của Văn phòng Thống kê cho thấy sản lượng công nghiệp của nước này tăng 0,3% trong tháng 5, thấp hơn mức dự báo 0,4%. Một tháng trước đó, sản lượng giảm 2,0%.
Theo nhận định của chuyên gia kinh tế Andrew Kenningham, sự gia tăng sản lượng công nghiệp trong tháng 5 không phải là tín hiệu cho việc kết thúc các vấn đề đối với các nhà sản xuất Đức mà ngược lại, như gần có vẻ chắc chắn rằng sản xuất công nghiệp của nước này đã giảm trong quý II/2019, góp phần làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP trong nước.
Theo các số liệu công bố hồi cuối tuần trước, các đơn đặt hàng công nghiệp của Đức đã giảm 2,2% trong tháng 5, cao hơn so với dự kiến. Ngân hàng trung ương Đức Bundesbank cho rằng, mặc dù nền kinh tế nước này đã tăng trưởng trở lại trong khoảng từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay, với mức tăng 0,4%, nhưng dự kiến sẽ có sự suy giảm nhẹ trong quý II.
Trong một dấu hiệu cho thấy sự suy thoái kinh tế đang bắt đầu gay gắt, một cuộc khảo sát của viện Ifo cho thấy các nhà sản xuất Đức hy vọng sẽ sử dụng nhiều chương trình giờ làm việc ngắn hơn (gọi là Kurzarbeit), nhằm tránh tình trạng sa thải hàng loạt.
Xung đột thương mại, nước Anh dự kiến rời khỏi EU và triển vọng kinh tế toàn cầu đang gây ra những tác động đáng lo ngại cho nền kinh tế Đức – quốc gia vốn phụ thuộc vào xuất khẩu để tăng trưởng trong nhiều năm qua.
TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Reuters)