Nhật-EU nỗ lực đạt được thoả thuận tự do thương mại. Ảnh: AP.
"Chúng tôi khẳng định rằng, việc đạt được một thỏa thuận rộng lớn càng sớm càng tốt để chống lại chủ nghĩa bảo hộ là điều vô cùng quan trọng", Ngoại trưởng Kishida nói với các phóng viên sau cuộc gặp với ông Malmstrom ở Bonn, Đức.
Theo Ngoại trưởng Kishida, "chúng tôi nhất trí duy trì đàm phán và tiếp tục tiến trình hiện nay", và cho biết thêm rằng, ông và Cao uỷ thương mại của EU đã đồng ý kịp thời sắp xếp các vòng tiếp theo của cuộc đàm phán.
Trong khi một thỏa thuận rộng rãi đang trong tầm tay, các bên vẫn còn chia rẽ về một số khía cạnh trong việc tiếp cận thị trường và loại bỏ hàng rào thuế quan.
Cuộc họp, theo yêu cầu của phía EU, diễn ra bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao của Nhóm 20 nền kinh tế lớn tỏng hai ngày 17/2-18/2.
Các cuộc đàm phán thương mại Nhật-EU đang tiếp tục trong bối cảnh mối lo ngại ngày càng rõ nét sau chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ của tỷ phú Donald Trump hồi cuối tháng 11/2016, với phương châm "nước Mỹ là ưu tiên hàng đầu" là một phần của chủ nghĩa bảo hộ đang lan rộng trên toàn thế giới.
Ngoài ra, 2 phía còn chịu áp lực để đạt thỏa thuận trước khi các cuộc bầu cử tại các quốc gia lớn ở châu Âu sẽ diễn ra năm nay. Pháp sẽ tiến hành vòng đầu tiên của cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 4, trong khi Đức đang chuẩn bị cho một cuộc bầu cử liên bang vào tháng 9 tới.
Theo một nguồn tin ngoại giao Pháp, có thể sẽ khá khó khăn để hoàn tất thỏa thuận vào cuối năm nếu các cuộc đàm phán không kết thúc sớm.
Các nhà đàm phán EU yêu cầu việc tiếp cận thị trường cho các sản phẩm từ sữa, thịt, gỗ và rượu vang của khối ở mức độ cao hơn so với mức mà Nhật Bản đã thỏa thuận trong Hiệp định TPP.
Trong khi đó, Nhật Bản cũng yêu cầu Liên minh châu Âu loại bỏ thuế đối với các sản phẩm xe hơi và thiết bị điện tử Nhật Bản, với mức thuế tương ứng 10% và 14% như hiện nay.
Theo TPP, Hoa Kỳ đồng ý loại bỏ mức thuế quan 2,5% đánh vào các ô tô nhập khẩu từ Nhật Bản trong hơn 25 năm qua.
Bảo Nghi (Lược dịch từ The Japantimes)