ClockThứ Sáu, 07/06/2019 06:42
Ngày An toàn Thực phẩm Thế giới:

FAO, WHO dẫn đầu nỗ lực thúc đẩy an toàn thực phẩm

TTH.VN - Lần đầu tiên, Ngày An toàn Thực phẩm Thế giới của Liên Hiệp quốc (LHQ) được tổ chức trên toàn cầu vào ngày 7/6, nhằm tăng cường những nỗ lực để đảm bảo thực phẩm chúng ta ăn là an toàn.

Úc phát cảnh báo trứng nhiễm khuẩn salmonellaToàn cảnh dịch tả heo châu Phi khiến nhiều nước lo sốt vóHội nghị An toàn Thực phẩm Quốc tế lần đầu tiên được tổ chứcFAO: An toàn thực phẩm là chìa khoá để phát triển kinh tế, kết thúc đói nghèo

Một khu chợ ở thủ đô Kampala, Uganda. Ảnh: WB

Mỗi năm, ước tính có khoảng 600 triệu người bị bệnh và 420.000 người tử vong sau khi ăn thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng hoặc các chất hóa học. Thực phẩm không an toàn cũng cản trở sự phát triển ở nhiều nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình.

Chủ đề của Ngày An toàn Thực phẩm Thế giới năm 2019: An toàn thực phẩm là nhiệm vụ của tất cả mọi người. An toàn thực phẩm góp phần đảm bảo an ninh lương thực, sức khỏe con người, thịnh vượng kinh tế, nông nghiệp, tiếp cận thị trường, du lịch và phát triển bền vững.

Theo đó, LHQ đã chỉ định 2 cơ quan là Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dẫn đầu các nỗ lực thúc đẩy an toàn thực phẩm trên toàn thế giới.

FAO và WHO đang hợp tác để hỗ trợ các quốc gia phòng ngừa, quản lý và ứng phó với những rủi ro trong chuỗi cung ứng thực phẩm, làm việc với các nhà sản xuất và cung cấp thực phẩm, các cơ quan quản lý và các bên liên quan xã hội dân sự, cho dù thực phẩm được sản xuất trong nước hay nhập khẩu.

"Dù bạn là nông dân, nhà cung cấp trang trại, nhà chế biến thực phẩm, nhà vận chuyển, tiếp thị hay người tiêu dùng, an toàn thực phẩm là nhiệm vụ của bạn. Sẽ không có an ninh lương thực nếu không có an toàn thực phẩm", Tổng giám đốc FAO, ông Jose Graziano da Silva khẳng định.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: "Thực phẩm không an toàn cướp đi mạng sống của khoảng 420.000 người mỗi năm. Những cái chết này hoàn toàn có thể phòng ngừa được".

"Ngày An toàn Thực phẩm Thế giới là một cơ hội duy nhất để nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của thực phẩm không an toàn với các Chính phủ, nhà sản xuất, người xử lý và người tiêu dùng. Từ trang trại đến bàn ăn, tất cả chúng ta đều có vai trò trong việc làm cho thực phẩm an toàn", ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói thêm.

Đầu tư vào hệ thống thực phẩm bền vững

FAO và WHO nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tiếp cận của tất cả mọi người đến thực phẩm an toàn, bổ dưỡng và đầy đủ, và thực phẩm an toàn là rất quan trọng để thúc đẩy sức khỏe và chấm dứt nạn đói, 2 trong số những mục tiêu chính của các Mục tiêu Phát triển Bền vững.

Thực phẩm an toàn cho phép việc hấp thụ phù hợp các chất dinh dưỡng và góp phần vào một cuộc sống khỏe mạnh. Sản xuất thực phẩm an toàn cải thiện tính bền vững bằng cách cho phép tiếp cận thị trường và năng suất, thúc đẩy phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo, nhất là ở các khu vực nông thôn.

Đầu tư vào giáo dục an toàn thực phẩm người tiêu dùng có khả năng làm giảm bệnh do thực phẩm và tiết kiệm lên tới 10 USD cho mỗi 1 USD đầu tư.

Các hoạt động trên toàn thế giới nhân Ngày An toàn Thực phẩm Thế giới nhằm truyền cảm hứng cho hành động giúp ngăn ngừa, phát hiện và quản lý những rủi ro sức khỏe từ thực phẩm. Chính vì vậy, những hành động đúng đắn trong chuỗi cung ứng thực phẩm, từ nông dân đến người tiêu dùng, cũng như quản trị và các quy định tốt là điều cần thiết cho an toàn thực phẩm.

Số liệu về an toàn thực phẩm

Ước tính có khoảng 600 triệu người, tương đương gần 1 trên 10 người trên thế giới mắc bệnh sau khi ăn thực phẩm bị nhiễm bẩn và 420.000 người tử vong mỗi năm.

Đáng chú ý, trẻ em dưới 5 tuổi hứng chịu 40% gánh nặng bệnh tật do thực phẩm bẩn, với 125.000 ca tử vong mỗi năm.

Những căn bệnh từ thực phẩm là do vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng hoặc các chất hóa học xâm nhập vào cơ thể thông qua thực phẩm hoặc nước bị nhiễm bẩn. Các căn bệnh từ thực phẩm cản trở sự phát triển kinh tế xã hội khi làm căng thẳng các hệ thống chăm sóc sức khỏe và gây tổn hại cho các nền kinh tế, du lịch và thương mại quốc gia.

Được biết, giá trị của thương mại thực phẩm đạt 1,6 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 10% tổng giá trị thương mại hàng năm trên toàn cầu.

Các ước tính gần đây cho thấy, tác động của thực phẩm không an toàn gây tổn thất cho những nền kinh tế thu nhập thấp và trung bình khoảng 95 tỷ USD trong năng suất bị mất đi mỗi năm.

Bên cạnh đó, việc cải thiện các thực hành vệ sinh trong lĩnh vực thực phẩm và nông nghiệp giúp làm giảm sự xuất hiện và lây truyền của kháng kháng sinh trong chuỗi thực phẩm và trong môi trường.

Lê Thảo (Lược dịch từ FAO, PAHO & UN News)

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phải nỗ lực thu hẹp khoảng cách kỹ năng AI vào năm 2025

Khi trí tuệ nhân tạo (AI) chuẩn bị tái định hình các ngành công nghiệp trên toàn thế giới, một nghịch lý đang nổi lên rằng mặc dù nhu cầu tận dụng tiềm năng của công nghệ đang ngày càng tăng, các kỹ năng liên quan đến AI nhìn chung vẫn thiếu hụt.

Phải nỗ lực thu hẹp khoảng cách kỹ năng AI vào năm 2025
Nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu-thừa nhà ở xã hội

Nhằm cải thiện chỗ ở cho người thu nhập thấp, từ năm 2022, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, với mục tiêu đến năm 2025 có thêm 1,25 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, nhưng đến thời điểm này có thể thấy, kế hoạch có nguy cơ “phá sản”. Trong khi đó, nhiều khu nhà ở tái định cư lại bị bỏ hoang, lãng phí, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu-thừa nhà ở xã hội
Thành công từ sự nỗ lực

Sau dịch COVID-19, chị Trần Thị Hà (sinh năm 1976, hội viên phụ nữ tổ dân phố 6, Phú Bài, TX. Hương Thủy) thất nghiệp. Cũng đã có tuổi, không việc làm, chị Hà đứng trước vô vàn khó khăn và những mối lo về gánh nặng kinh tế gia đình. Được sự động viên của người thân và sự giúp đỡ của hội liên hiệp phụ nữ các cấp, chị Hà đã mạnh dạn vay vốn để mở gia trại chăn nuôi và trồng cây ăn quả.

Thành công từ sự nỗ lực

TIN MỚI

Return to top