An toàn thực phẩm đóng vai trò cơ bản trong việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững. Ảnh: Devdiscourse
Thực phẩm không an toàn khiến ước tính 600 triệu người mắc phải những căn bệnh do thực phẩm mỗi năm, gây ra tổn thất ít nhất 100 tỷ USD ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Đáng chú ý, hơn 1/2 trong số đó được ghi nhận chỉ ở 28 quốc gia.
Tuy nhiên, những nỗ lực nhằm tăng cường các hệ thống an toàn thực phẩm trên toàn cầu đang bị phân đoạn, mặc dù an toàn thực phẩm đóng vai trò cơ bản trong việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững.
Hội nghị An toàn Thực phẩm Quốc tế lần thứ nhất được sự phối hợp tổ chức của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên minh châu Phi (AU).
Đây sẽ là dịp quy tụ các nhà lãnh đạo Chính phủ, các nhà hoạch định chính sách cao cấp và đại diện từ các tổ chức quốc tế, xã hội dân sự và khu vực tư nhân, nhằm xác định những hành động và chiến lược chủ chốt để giải quyết những thách thức hiện tại và tương lai đối với an toàn thực phẩm toàn cầu; đồng thời tăng cường cam kết ở cấp chính trị cao nhất, để tăng cường an toàn thực phẩm trong Chương trình nghị sự năm 2030 vì sự phát triển bền vững.
Các diễn giả của hội nghị dự kiến sẽ bao gồm Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi, Chủ tịch Rwanda Paul Kagame, Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi Moussa Faki Mahamat, Tổng giám đốc FAO Jose Graziano da Silva, và Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus.
Bên cạnh đó, người đứng đầu các Nhà nước và Chính phủ, các bộ trưởng thuộc lĩnh vực y tế, nông nghiệp, thương mại, môi trường và các lĩnh vực khác, cũng như nhà lãnh đạo của các tổ chức quốc tế, xã hội dân sự và khu vực tư nhân sẽ tham dự hội nghị này.
Sự kiện dự kiến sẽ thông qua một tuyên bố chính trị cấp cao ủng hộ cho sự hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật và đầu tư được tăng cường và phối hợp tốt hơn, nhằm cải thiện an toàn thực phẩm toàn cầu.
Thanh Ngân (Lược dịch từ Devdiscourse)