ClockChủ Nhật, 08/09/2019 18:50

Giảm thiểu biến đổi khí hậu có thể giúp châu Á-Thái Bình Dương tăng trưởng kinh tế

TTH - Các sự kiện thời tiết bất thường do biến đổi khí hậu có thể tàn phá mùa màng, làm mất đi cơ hội việc làm, tăng giá lương thực và gây thiệt hại cả về tài sản và con người.

Australia rút khỏi cam kết khu vực Thái Bình Dương về biến đổi khí hậu

Trong bối cảnh đó, cơ quan giám sát Công ước khung của Liên Hiệp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) nhấn mạnh rằng, nhu cầu hướng tới một nền kinh tế carbon thấp và xây dựng năng lực phục hồi sẽ không chỉ giảm thiểu những tác động xấu nhất của biến đổi khí hậu ở châu Á-Thái Bình Dương mà còn có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực, UN News đưa tin.

Châu Á-Thái Bình Dương là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do biến đổi khí hậu. Ảnh: ADB

Phân tích từ nhiều nguồn dữ liệu cho thấy, các kiểu thời tiết thất thường dẫn đến quá trình sản xuất lương thực bị ảnh hưởng, chi phí sản xuất cũng gia tăng. Theo ước tính, sản lượng lúa gạo ở một số quốc gia Đông Nam Á có thể giảm tới 50% vào năm 2100 "nếu không có những nỗ lực thích ứng nào được triển khai". Sự thiếu hụt lương thực cũng sẽ làm gia tăng số trẻ suy dinh dưỡng ở Nam Á lên thêm 7 triệu trẻ, trong khi chi phí nhập khẩu lương thực tăng thêm tới 15 tỷ USD mỗi năm vào năm 2050 so với mức 2 tỷ USD hiện nay. Do đó, hạn chế những tác động tới môi trường nhằm giảm thiểu biến đổi khí hậu sẽ có thể giúp khu vực giảm gánh nặng từ những thiệt hại kinh tế do thiên tai, góp phần ổn định và đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế.

Trong Tuần lễ Khí hậu châu Á-Thái Bình Dương (APCW 2019) vừa kết thúc vào cuối tuần trước tại Bangkok (Thái Lan), một trong những điểm mấu chốt được chú trọng là kế hoạch tổng thể dài hạn, cho phép các nước ở châu Á-Thái Bình Dương khai thác tiềm năng to lớn của năng lượng tái tạo và công nghệ mới trong khi vẫn tối đa hóa lợi ích kinh tế xã hội của khu vực. Kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu và tài chính cũng là chìa khóa trong suốt APCW 2019, tập trung vào các cộng đồng và hệ sinh thái cần thiết nhất.

Ngoài ra, những lý do thuyết phục khác khiến nhiệm vụ chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp và tăng cường năng lực phục hồi trở nên cấp bách là các hành động hiện tại trong nỗ lực giải quyết biến đổi khí hậu đang đưa thế giới vào con đường nóng lên toàn cầu đến hơn 3 độ C - tức là gấp đôi mục tiêu kiềm chế sự gia tăng nhiệt độ ở mức dưới 1,5 độ được đặt ra trước đó, các diễn giả cấp cao tham dự sự kiện cảnh báo.

Với hơn một nửa dân số toàn cầu, trong đó có 1,8 tỷ thanh niên đang sinh sống ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương rộng lớn, UNFCCC cho rằng thanh niên đóng một vai trò quan trọng trong các hoạt động môi trường, bằng cách kết nối và thảo luận về biến đổi khí hậu trên các mạng truyền thông xã hội.

Được tổ chức hàng năm ở châu Phi, châu Mỹ Latinh và Caribê, cũng như ở châu Á-Thái Bình Dương, Tuần lễ Khí hậu khu vực cho phép chính phủ và các bên liên quan khác cùng nhau giải quyết toàn bộ các vấn đề về khí hậu, với mục đích chính là tập hợp các khu vực công - tư hướng tới một mục tiêu chung là đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ UN)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

PMI:
Ngành sản xuất ASEAN duy trì tăng trưởng

Tổ chức S&P Global ngày hôm nay (4/11) công bố Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn phần ngành sản xuất Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trong đó, ngành sản xuất ASEAN vào tháng 10/2024 đã ghi nhận sự cải thiện bền vững, mặc dù một lần nữa chỉ là mức cải thiện nhẹ.

Ngành sản xuất ASEAN duy trì tăng trưởng
Khi người dân có “điểm tựa”

Từ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các tổ chức, đoàn thể và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, người dân Phú Vang đã nỗ lực vươn lên, chung sức cùng địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế.

Khi người dân có “điểm tựa”

TIN MỚI

Return to top