Đã một tuần đi qua, khoảng 4.000 người dân bị ảnh hưởng bởi vụ vỡ đập thủy điện Sepien Senamnoi đã được đưa về tạm cư tại trung tâm huyện Sanamxay tỉnh Attapeu và khoảng 500 người tạm lánh sang tỉnh Champasak. Việc tập trung số lượng lớn người dân tại một địa điểm đang đặt ra những thách thức cho chính quyền và ngành chức năng Lào, đặc biệt là nguy cơ dịch bệnh lây lan.
|
Bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hoàng Anh Gia Lai khám bệnh cho người dân vùng lũ. |
Trao đổi với phóng viên VOV trưa 28/7, Đại tá, bác sĩ Vanpheng Phuangsavadi, Phó Cục trưởng Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần Quân đội Lào cho biết, chính quyền các cấp của Lào nhận thức rất rõ nguy cơ dịch bệnh sau lũ lụt, vì vậy, mấy ngày qua, đã bố trí y, bác sĩ tại các điểm sơ tán để chăm sóc sức khỏe cho dân; sử dụng xe lọc nước cung cấp nước sạch; trang bị nhà vệ sinh lưu động, tăng cường dọn vệ sinh, tôn nền, khơi thông nước đọng và phun thuốc diệt muỗi, tẩy trùng tại các khu sơ tán.
Tuy chưa phát hiện các bệnh lây nhiễm tại đây, cơ quan chức năng cũng đã chuẩn bị sẵn sàng mọi phương án đối phó.
|
Bác sĩ Vương Văn Vũ- Bệnh xá quân y 206 đang khám bệnh cho người dân sơ tán. |
“Các đội y tế túc trực tại trung tâm và điểm bản thường xuyên giải thích cho người dân hiểu và giữ vệ sinh nơi ăn ở; theo dõi chặt chẽ mọi nguy cơ và sẽ cách li ngay mọi trường hợp mắc các bệnh truyền nhiễm như tả, lị hay sốt suất huyết để tránh lây lan, đồng thời tổ chức cho phun thuốc chống muỗi ở những điểm nhiều muỗi” - Đại tá, bác sĩ Vanpheng Phuangsavadi cho biết.
Những ngày này, cùng với nỗ lực cứu hộ của chính quyền, số người từ các bản bị ngập lụt đưa về trung tâm huyện ngày càng nhiều. Một phòng học chừng 40m2 nhưng có tới 30-40 người ở. Kẻ đứng người ngồi chen nhau tìm chỗ ngả lưng. Các nhà vệ sinh đang quá tải, mọi người phải xếp hàng chờ đến lượt. Nước sinh hoạt hạn chế, quần áo ẩm mốc, rác thải sinh hoạt chất thành đống và bắt đầu bốc mùi.
|
Chen chúc như thế này là nguy cơ lây lan dịch bệnh nếu xảy ra. |
Chị Chiankip, 37 tuổi, ngụ tại bản Mai cho biết, cũng như nhiều gia đình khác, vì ngâm mình trong nước lũ quá lâu, đói quá phải uống nước mưa cầm hơi, đến ngày thứ 3 mới được lực lượng cứu hộ đưa ra ngoài nên cả nhà ai cũng lả đi. Dù được nhân viên y tế chăm sóc, cấp thuốc uống nhưng chị vẫn bị tiêu chảy, đi vệ sinh đến kiệt sức, ngứa ngáy khắp người.
Có mặt tại Lào chỉ một ngày sau khi xảy ra sự cố vỡ đập thủy điện, bác sĩ Nguyễn Thành Công, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hoàng Anh Gia Lai và nhóm thầy thuốc của mình đã làm việc không quản thời gian để khám bệnh, cấp thuốc cho hàng nghìn người tại một trường học ở trung tâm huyện Sanamxay. Họ hiểu rõ những gì mà các cơ quan chức năng Lào đã, đang và sẽ phải đối mặt.
“Chúng tôi cũng đã trao đổi với cơ quan y tế Lào cũng như tỉnh Attapeu là chúng ta sẽ đối diện với nguy cơ dịch bệnh lây lan ở những khu tạm cư này. Nhất là bệnh tả và Ecol” - bác sĩ Nguyễn Thành Công cho biết.
|
Trâu bò chết vì bị lũ đã được người dân xẻ thịt ngay bên đường. |
Nhiều chuyên gia y tế có mặt tại đây cũng cho rằng, nếu không hành động kịp thời, trong điều kiện môi trường, nguồn nước bị ô nhiễm vì bùn đất, xác súc vật chết, sức đề kháng của người dân kém, một khi dịch bệnh bùng phát sẽ rất dễ lây lan và sẽ xảy ra thêm thảm họa về môi trường.
“Có 3 việc chúng ta phải triển khai” - bác sĩ Nguyễn Thành Công nhấn mạnh các giải pháp cấp bách lúc này. “Thứ nhất là phải nhanh chóng giảm mật độ dân số ở đây, đưa dân về những địa bàn có điều kiện chăm sóc tốt hơn. Thứ hai là tiến hành ngay việc tiêu độc khử trùng môi trường sống. Thứ ba là cung cấp lương thực thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh”.
|
Một bác sĩ của Bệnh viện ĐH Y Hoàng Anh Gia Lai đang khám bệnh cho hai mẹ con người phụ nữ Lào tại bệnh viện Sanamxay. |
Cùng với lực lượng y tế tại chỗ, những ngày này, Lào đang nhận được sự hỗ trợ tích cực về nhân lực, thuốc men của các tổ chức quốc tế và khu vực, trong đó có Việt Nam. Hy vọng rằng chính quyền và các cơ quan chức năng của Lào sẽ làm tốt việc chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa dịch bệnh cho người dân đang tạm trú tại các trung tâm cứu trợ, cũng như về lâu dài là xử lý môi trường ở các bản làng bị ảnh hưởng của cơn lũ sau khi người dân trở về, hạn chế đến mức thấp nhất những nguy cơ về y tế có thể xảy ra./.
Theo VOV